NHNN sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà
(DNTO) - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN sẽ điều hành linh hoạt, phù hợp để hướng đến nguồn tín dụng tập trung thúc đẩy sản xuất-kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà.
Theo bà Hồng, nhà ở xã hội là nhu cầu của người dân, người lao động, là yêu cầu của bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, có nhiều chỉ đạo, nhiều cuộc họp về vấn đề này. NHNN với vai trò là cơ quan điều phối chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất và thực hiện quản lý các tổ chức tín dụng. Trong những năm qua, ban lãnh đạo các thời kỳ rất quan tâm chỉ đạo hệ thống, tích cực tham gia những chương trình góp phần xây dựng nhà ở đối với người có thu nhập thấp.
Thống đốc NHNN dẫn chứng những chương trình đã triển khai trong thời gian qua: “Năm 2012, chương trình cho vay nhà ở xã hội, gói 30.000 tỷ đồng đã được triển khai. Năm 2016, kết thúc chương trình với doanh số cho vay là trên 29.000 tỷ đồng. Hiện nay, gói này còn dư nợ khoảng 7.200 tỷ đồng. Đây là chương trình rất thành công, giúp cho người thu nhập thấp có nhà ở”.
Chương trình thứ hai, theo bà Hồng là cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 – cho vay đối với những người mua nhà được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội, qua tổ chức tín dụng. Đối với chủ đầu tư, theo Nghị định 100 được hỗ trợ khoản vay qua các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, đến nay, ngân sách được bố trí để cấp bù lãi suất qua Nghị định này chưa bố trí được. Chính vì vậy, các tổ chức tín dụng được chỉ định chưa triển khai được. Khi có ngân sách cấp bù thì các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện cho vay từ nguồn huy động được của người dân.
"Chúng tôi rất phấn khởi khi thấy các doanh nghiệp đã đăng ký hơn 1 triệu nhà ở xã hội, dao động từ 600.000 tỷ đồng đến 1 triệu tỷ đồng, thực hiện trong 10 năm. Ở đây vấn đề về vốn, lãi suất rất quan trọng. Về vốn có thể huy động trong cả người dân để cho vay, lãi suất 2% có thể triển khai trong năm 2022, nếu như chúng ta có các dự án triển khai có thể tận dụng được trong năm 2022-2023”, bà Hồng nói.
Về phía NHNN, bà Hồng cho biết sẽ điều hành linh hoạt và phù hợp để hướng đến nguồn tín dụng tập trung thúc đẩy sản xuất-kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người thu nhập thấp được vay vốn ưu đãi để mua nhà. Trong thời gian qua, NHNN cũng rất trách nhiệm khi tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong đại dịch, trong đó có những doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp.
Liên quan đến câu chuyện tạo điều kiện cho người lao động được vay vốn mua nhà, đại diện cho các ngân hàng thương mại, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết: Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội, chúng tôi sẵn sàng tham gia.
"Hiện nay Chính phủ đang tập trung vào vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, huy động các doanh nghiệp, nhưng tôi thấy nguồn lực lớn nhất để xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chính là ở người dân, như ở TPHCM có 700.000 phòng trọ cho công nhân. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ vấn đề này, vì đây là vấn đề rất lớn nhưng quy chuẩn, tiêu chuẩn không có. Quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, huy động được nguồn lực của người dân mới là nguồn lực lớn, chứ còn nguồn lực của doanh nghiệp thì không đủ để đáp ứng nhu cầu”, ông Minh đề xuất.
Đồng thời, đại diện Sacombank đề nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng xây dựng bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà trọ cho công nhân. Hiện nay công nhân đa số từ nông thôn lên thành phố làm việc, sau một thời gian họ cũng không ở lại mà trở về quê. Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến đối tượng này. Chúng ta có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn, như vậy mới cấp phép kinh doanh được.
Thứ hai là xây dựng chính sách hỗ trợ về nguồn vốn để giúp người dân phát triển nhà ở công nhân cho thuê. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao để người dân tham gia tích cực, sau đó mới đến phần doanh nghiệp tham gia. Như doanh nghiệp Sacombank sẵn sàng đăng ký tham gia 75.000 căn hộ từ nay đến 2030. Đây là quỹ đất mà doanh nghiệp của chúng tôi đã có nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn về thủ tục.
“Chúng tôi có 2 dự án nhà ở thương mại, theo đề nghị của Bộ Xây dựng chuyển thành nhà ở xã hội để lo cho người nghèo nhưng có một dự án tới 5 năm, một dự án 3 năm đến nay chưa hoàn thiện xong thủ tục. Từ nhà ở thương mại chuyển sang nhà ở xã hội còn khó hơn thủ tục làm nhà ở thương mại. Rõ ràng, các doanh nghiệp đều có nghề, có nguồn lực dồi dào nhưng để làm được rất khó. Thủ tục vô cùng phức tạp, từ thành phố, tỉnh, các ngành đến các bộ, ngành…”, ông Minh bày tỏ.
Theo ông Minh, quan trọng nhất phải có tiêu chuẩn, quy chuẩn và có chính sách để hỗ trợ người dân phát triển thì mới nhanh, đáp ứng được nhu cầu đại đa số, lại giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Những dự án nhà ở thương mại nhưng có 20% nhà ở xã hội, như vậy rất nhỏ lẻ và manh mún, bất cập. Nên quy hoạch khu vực nhà ở xã hội tập trung. Các địa phương cần có quy hoạch riêng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong khu công nghiệp, cũng không thuần túy là nhà ở công nhân mà còn các đối tượng làm việc trong khu công nghiệp, cũng đều phải được tính toán, quy hoạch trong đấy.