Nhiều gương mặt quen thuộc lọt Top 20 doanh nghiệp có doanh thu thương mại điện tử bán hàng cao nhất
(DNTO) - Con Cưng, Thế giới Di động, VNG, FTP Retail… là những doanh nghiệp quen thuộc đứng đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng.
Theo Sách trắng Thương mại Điện tử Việt Nam 2022 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) vừa phát hành, gọi tên 20 doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng.
Thị phần doanh thu của 20 doanh nghiệp trên chiếm 65,7% tổng doah thu thương mại điện tử bán hàng tại Việt Nam.
Trong đó, có những ông lớn trong ngành bán lẻ như Con Cưng, Thế giới Di động, Công ty Cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail)…
Đặc biệt, riêng FPT Retail có tới 2 website/ứng dụng đứng đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng, gồm fptshop.com.vn (phân phối sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại, laptop, phụ kiện…) và nhathuoclongchau.com (phân phối dược phẩm).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp cũng lọt Top 20 doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu thương mại điện tử bán hàng, như ORIFLAME Việt Nam, Amway Việt Nam, Nu Skin Enterprises Việt Nam, Unicity Marketing Việt Nam.
Trong đó, mới đây, Nu Skin và Unicity vừa bị thanh tra Bộ Công thương xử phạt hơn 400 triệu đồng do vi phạm pháp luật về kinh doanh đa cấp.
Cũng theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam, nhóm hàng thực phẩm, thực phẩm chức năng, làm đẹp, sức khỏe được mua nhiều nhất trên website/ứng dụng thương mại điện tử (21,3%). Nhóm được sử dụng nhiều thứ hai là dịch vụ đào tạo, tư vấn hồ sơ pháp lý, tài chính, môi giới việc làm, tư vấn, thiết kế xây dựng (chiếm 14,5%). Nhóm thứ ba là mặt hàng nhà cửa, đời sống (chiếm 12,6%). Trong đó, giá trị nhóm hàng hóa được mua nhiều nhất từ 200-500.000 đồng.
Nguồn thu chính của các website, ứng dụng thương mại điện tử chủ yếu đến từ hoạt động bán hàng trực tiếp/đại lý bán hàng hóa, dịch vụ (chiếm 92,4%); ngoài ra 15,6% từ hoạt động quảng cáo.