Doanh nghiệp tăng trưởng 'đúp' khi chạm vào 4.0
(DNTO) - Nhờ biết đến nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống tưới tự động, tem truy xuất nguồn gốc, QR code... đã giúp các doanh nghiệp nông sản giảm tới 90% chi phí sử dụng nhân công, năng suất đạt cao hơn từ 15 đến 20% so với những mô hình sản xuất cố hữu.
Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh không còn là điều lạ lẫm với nhiều doanh nghiệp và nông dân. Chính nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp vẫn giữ được đà tăng trưởng. Theo nhiều chuyên gia, chuyển đổi số không còn là câu chuyện của tương lai mà nó đang hiện hữu trong sự phát triển của từng đơn vị.
Nhìn lại hai năm "ngấm đòn" trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, ông Thân Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn VISIMEX, một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản cho biết, công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng ngoạn mục hơn 200% so với năm 2019 nhờ chủ động đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông sản.
“Là một thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, chúng tôi xác định, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng khép kín sẽ là bí quyết giúp doanh nghiệp vượt qua những điểm nghẽn của thị trường do tác động bất lợi. Nhờ vậy, mặc dù đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng nhiều đến quá trình lưu thông hàng hóa nhưng hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn tăng trưởng rất khả quan”, ông Hùng cho biết.
Hay như chia sẻ của ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), hợp tác xã đã lắp đặt hệ thống trạm thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G nhằm cập nhật tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa… Cùng với đó, hợp tác xã lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dù ở bất kỳ đâu cũng có thể quản lý và vận hành hệ thống.
Toàn bộ diện tích trồng rau của hợp tác xã được phủ màng che, hạn chế cỏ dại, bón phân theo định mức và ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel nên năng suất tăng, giảm tỷ lệ sâu bệnh cũng như chi phí sản xuất.
Mỗi tháng, HTX “chốt đơn” khoảng 350 đơn hàng nông sản online, chiếm đến 70% tổng số đơn hàng của HTX. Thu nhập của người dân hiện khoảng 4-4,5 triệu đồng/tháng (trước kia chỉ 2-2,5 triệu đồng/tháng). Quan trọng hơn, nhờ chuyển đổi số, quy trình sản xuất của hợp tác xã được chuẩn hóa, đạt các tiêu chuẩn OCOP, CGMP, VietGAP.
Đây là dẫn chứng điển hình về hiệu quả của số hóa trong doanh nghiệp SME, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong dịch bệnh vừa qua, đã có khoảng 24% doanh nghiệp SME phải tạm ngừng hoạt động. Chuyển đổi số là chìa khóa mở ra cánh cửa sinh tồn cho họ.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh - một trong những tập đoàn xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất Việt Nam, cho biết, nhờ đầu tư rất nhiều vào các hoạt động có chiều sâu, phát triển bền vững để đáp ứng các nhu cầu mà thế giới đã thay đổi, với những đòi hỏi cao hơn. Do vậy, chỉ rong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số của Phúc Sinh đã tăng 50% so với 2021. Từ câu chuyện của mình, ông Phan Minh Thông nhận định, các doanh nghiệp hiện nay phải giải được “bài toán” về đầu tư công nghệ vào trong ngành chế biến, bởi nếu không đầu tư chế biến, thì việc cạnh tranh càng trở nên khó khăn.
Không những vậy, phát triển và đầu tư đồng bộ, đa dạng kênh truyền thông, thương mại điện tử (TMĐT), nhiều doanh nghiệp không chỉ đạt doanh số bán hàng tốt mà qua đó còn tiếp cận được những đối tác, khách hàng lớn.
Đánh giá về sức mạnh mà TMĐT mang lại cho nhà kinh doanh, Foodmap - một đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng nông sản Việt Nam, cho biết: Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số bán hàng của đơn vị đã tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm ngoái. Gần đây nhất trong lễ hội mua sắm trên Lazada, Foodmap đã bán được 5 tấn cam chỉ trong ba ngày.
“Để tính toán trước sức ép mua sắm từ khách hàng và tính cạnh tranh trong thương mại, ngoài những cửa hàng trực tiếp, chúng tôi còn mở gian hàng trên các sàn TMĐT như Tiki, Lazada hay trên các ứng dụng công nghệ Grab, Beamin, ShopeeFood. Nhờ đó đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, đẩy mạnh doanh thu và nhận diện thương hiệu. Đặc biệt trong đợt dịch vừa qua, việc bán hàng đa kênh không những giúp chúng tôi trụ vững mà còn thúc đẩy doanh số bán hàng tăng 30%” - đại diện Foodmap chia sẻ.
Vẫn chưa thể đột phá do nhiều lực cản
Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, nhiều hạn chế trong phát triển nông nghiệp 4.0, như số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ còn mỏng, chưa thực sự có thương hiệu mạnh nên sức cạnh tranh còn thấp. Khả năng thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ còn hạn chế.
Đặc biệt, nguồn nhân lực chuyển đổi số - hạt nhân thúc đẩy sự phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ vẫn đang được đánh giá là yếu và thiếu. Chính những rào cản này khiến nhiều mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn chỉ đang là… kỳ vọng, và chưa thể đi xa hơn.
Trên thực tế, theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), dù có khoảng 72% doanh nghiệp SME đang tìm cách chuyển đổi số để đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường, nhưng hầu hết họ không biết bắt đầu từ đâu và 92% doanh nghiệp không biết chuyển đổi số như thế nào.
Thông tin từ Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT), chỉ có một số cơ sở xuất khẩu có áp dụng hệ thống ISO, HACCP ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhưng chủ yếu cũng chỉ cập nhật dữ liệu đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, chưa có nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sản xuất. Hầu hết đơn vị chưa tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ yếu sử dụng mã vạch, mã QR code để truy xuất về thông tin sản phẩm.
“Nói rộng ra, nhiều chủ cơ sở còn nặng tư duy sản xuất, chưa nhạy bén với cơ chế thị trường, công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa được chủ thể quan tâm đầu tư nhiều. Nhiều sản phẩm còn ở dạng thô, sơ chế đơn giản nên giá trị gia tăng không cao. Sản phẩm sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít, nhiều sản phẩm chưa được áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến… Các chủ thể cũng chưa xây dựng bài bản phương án sản xuất - kinh doanh và kế hoạch phát triển sản phẩm”, các chuyên gia nhìn nhận.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và sự phát triển của nền kinh tế số, Việt Nam nên học hỏi những kinh nghiệm của các nước đi trước về xây dựng và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cụ thể, "kim chỉ nam" từ các quốc gia châu Âu cho thấy, đào tạo kiến thức và kỹ năng số là chìa khóa thành công cho chuyển đổi số trong nông nghiệp. Do đó, cần thường xuyên cập nhật những chương trình giảng dạy, đào tạo, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất đào tạo kiến thức, kỹ năng số trong nông nghiệp, hướng tới phù hợp tiêu chuẩn quốc tế.
Việt Nam cần sớm ban hành chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp và các khung chính sách hỗ trợ chuyển đổi số để các bên liên quan nắm được chủ trương, định hướng và đầu tư có trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.
Các chuyên gia cũng nhìn nhận, trong thời gian tới Việt Nam cần tăng cường phát triển hệ thống Thông tin địa lý (GIS) trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống dựa trên cơ sở dữ liệu đã được phân tích đối với từng loại cây trồng, vật nuôi, sự thay đổi của thời tiết, kết hợp các tính toán về chi phí, doanh thu dự kiến... từ đó đưa ra sự lựa chọn và giải pháp bố trí sản xuất, canh tác tối ưu trên khu đất, tính toán được lợi nhuận dự kiến cho từng phương án tổ chức sản xuất. Hệ thống này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bố trí và quản lý sản xuất nông nghiệp, quản lý được nguồn cung nông sản.