Empty

“Đại dương đỏ” của đại dịch Covid-19 vẫn tạo ra những “làn sóng xanh”, khi trong giai đoạn 2020-2021, hai làn sóng thương mại điện tử được hình thành.

Làn sóng thứ nhất của thương mại điện tử diễn ra trong giai đoạn đầu của đại dịch, năm 2020. Là sóng thứ hai diễn ra từ tháng 6-9/2021, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Đặc điểm nổi bật của cả 2 làn sóng này là diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kinh tế xã hội bị đình trệ bởi đại dịch, kinh doanh thương mại điện tử mặc dù cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đông đảo doanh nghiệp đã nỗ lực chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, đồng thời người tiêu dùng trực tuyến cũng tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Empty

Theo đánh giá của Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), làn sóng thứ hai cộng hưởng với làn sóng thứ nhất sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ mới cho thương mại điện tử trong trung hạn, thậm chí là dài hạn.

Minh chứng cho thấy, năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong khi nhiều ngành nghề ghi nhận sự sụt giảm, thì thương mại điện tử vẫn tăng trưởng trên 20%, đạt quy mô 16 tỷ USD.

Nhưng, sự phát triển ổn định và bền vững của thương mại điện tử phụ thuộc rất lớn vào 2 yếu tố: một là khả năng thu hút vốn đầu tư vào các nền tảng trong hệ sinh thái kinh doanh trực tuyến, hai là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, khoảng cách giữa cung và cầu nhân lực cho thương mại điện tử vẫn còn khá lớn. Đây là thách thức cho ngành thương mại điện tử Việt Nam.

tiêu đề 2 sửa

Đầu năm nay, VECOM đã tiến hành một cuộc khảo sát toàn diện về tình hình đào tạo thương mại điện tử tại các trường đại học trên cả nước, nơi được xem kênh chủ yếu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Kết quả khảo sát cho thấy có 36/132 trường khảo sát đào tạo cử nhân thương mại điện tử, 36 trường đào tạo chuyên ngành và 53 trường đào tạo môn thương mại điện tử.

Con số này cho thấy những bước tiến khá khả quan so với giai đoạn trước năm 2016, khi chỉ có khoảng 23% các trường đào tạo thương mại điện tử. Thế nhưng, chưa thể đủ so với những đòi hỏi của doanh nghiệp và thị trường.

“Trong hơn 10 năm nay, khi chúng tôi thực hiện báo cáo về thương mại điện tử Việt Nam, năm nào cũng nhìn thấy khoảng cách giữa nhu cầu về nguồn nhân lực với nguồn cung của các cơ sở đào tạo cung cấp cho xã hội. Tốc độ các trường mở rộng ngành thương mại điện tử nhanh nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Các trường cũng đang thiếu nguồn giảng viên rất lớn, đặc biệt là những trường mới, bắt đầu đào tạo”, ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác VECOM chia sẻ như vậy khi nói về tình trạng thiếu hụt cả thầy lẫn trò trong ngành thương mại điện tử tại các trường.

Empty

Áp lực tạo nguồn cung nhân lực cho ngành cũng làm đau đầu các cơ quan quản lý. Để giải quyết nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn tới, một Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng ban hành tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020.

Trong quyết định trên, có 2 mục tiêu liên quan tới nguồn nhân lực được đặt ra. Mục tiêu thứ nhất là 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo về thương mại điện tử. Mục tiêu thứ hai là 1 triệu lượt doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cán bộ quản lý nhà nước, sinh viên được đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, mục tiêu trên là khá tham vọng mà theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - IDEA (Bộ Công thương), đây mới là các con số có thể lượng hóa. Còn điều mà cơ quan quản lý trăn trở là các mục tiêu về chất lượng, tức làm sao để nguồn nhân lực được đào tạo chính quy cũng là nguồn nhân lực cốt lõi của thương mại điện tử có thể đáp ứng những yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường, cũng như phát triển kinh tế số Việt Nam. Mà những mục tiêu về chất lượng thì chưa được lượng hóa trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia.

“Như mọi người đều biết, công nghệ phát triển rất nhanh. Chúng tôi, những người làm chính sách, pháp luật có thể thấy sự thay đổi chóng mặt về công nghệ, mô hình kinh doanh cũng như các phương thức ứng dụng trong doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi tư duy và cách tiếp cận của sinh viên, chương trình đào tạo có độ mở, linh hoạt để sinh viên ra trường có thể thích ứng nhanh nhất với công nghệ, mô hình kinh doanh, trở thành nguồn nhân lực cốt lõi của thương mại điện tử”, bà Lại Việt Anh nói.

Empty
tiêu đề 3 sửa

Không chỉ là áp lực về số lượng, chất lượng của sinh viên ngành thương mại điện tử sau khi bước ra khỏi cánh cửa đại học, cũng là điều đáng bàn, đúng như trăn trở của vị Phó Cục trưởng phụ trách ngành này.

Bởi nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử chia sẻ rằng, để bù đắp thiếu hụt nhân sự, họ buộc phải tuyển người từ những ngành nghề khác như kinh tế, công nghệ thông tin, xuất nhập khẩu. Thậm chí ngay cả những người đã được đào tạo đúng chuyên ngành, doanh nghiệp cũng phải tái đào tạo để phù hợp với mô hình kinh doanh của mình.

Như tại Sapo, startup thương mại điện tử nhiều lần thành công gọi vốn triệu USD, cũng đang đối diện với tình trạng này. Ông Trần Mạnh Cường, Chuyên gia Đào tạo và Phát triển Nguồn nhân lực tại Sapo, cho biết startup này phải thành lập bộ phận chuyên đào tạo nhân lực. Bởi nhân lực từ các trường đang được đào tạo đại trà, trong khi lĩnh vực thương mại điện tử rất rộng, mà mỗi đơn vị, doanh nghiệp chỉ tập trung vào 1-2 mảng kinh doanh nhất định, dẫn đến kiến thức sinh viên được họ khó có thể sử dụng trong mỗi doanh nghiệp.

“Sau khi xem xong hệ thống đào tạo tín chỉ của đa số các trường đại học, tôi thấy các trường đang ôm đồm khá nhiều mục tiêu. Ngoài những môn chung như Pháp luật đại cương, Triết học, thì vừa có Thiết kế website, Logistics, Bán hàng… nghĩa là chương trình học hướng tới rất nhiều mục tiêu, cho rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong khi doanh nghiệp như Sapo đòi hỏi tập trung vào tiếp thị trực tuyến, bán hàng, nhưng nội dung này trong hệ thống tín chỉ của các trường lại khá ít”, ông Trần Mạnh Cường cho biết.

Empty

Là người đang đứng ở cả 2 vai trò là đào tạo và tuyển dụng, Ths Tạ Trần Phương Nhung, giảng viên ngành Thương mại điện tử của Đại học Đông Đô, đồng thời cũng đang điều hành một doanh nghiệp về thương mại điện tử, cũng nhìn thấy độ “vênh” giữa chương trình đào tạo và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

“Khi trên lớp, chúng tôi giảng dạy theo các khung chương trình cố định sẵn của nhà trường, nhưng khi bước chân vào doanh nghiệp, chúng tôi phải chấp nhận đào tạo lại nhân viên của mình, thậm chí nhân viên đó lại chính là sinh viên của mình, chỉ là ở các trường khác nhau mà thôi. Đó là vấn đề đau đầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp thương mại điện tử lại triển khai trong một mảng. Điều này buộc chúng tôi phải chấp nhận 4 năm đại học của các bạn không thể thay đổi vì các bạn đã được đào tạo như vậy rồi. Vấn đề là làm như thế nào để nhân lực tiếp cận doanh nghiệp tốt nhất, vì thời gian thử việc chỉ từ 1-2 tháng, sau thời gian đó, nếu cảm thấy không phù hợp, doanh nghiệp buộc phải loại họ để đón lứa nhân sự mới và lại bắt đầu đào tạo lại từ đầu. Đây là quá trình tốn sức cho cả lứa nhân sự mới vào và cả doanh nghiệp”, Ths Phương Nhung cho hay.

tiêu đề 4 sửa

Một nguồn nhân lực lớn, chất lượng cao, đáp ứng đủ cho tốc độ tăng trưởng trên 2 con số mỗi năm của ngành thương mại điện tử, là yêu cầu không hề dễ dàng.

Do đó, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh, việc thực thi Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử không phải là trách nhiệm của riêng một bộ ngành, địa phương hay riêng một đơn vị nào, đó là kế hoạch của tập thể đòi hỏi sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, của các khối trường đào tạo cũng như các doanh nghiệp và tổ chức xã hội để đạt được mục tiêu đề ra.

Ông Vũ Đức Trung, Vụ Giáo dục Đại Học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã giao quyền tự chủ cho các trường đại học, do đó các trường có thể tự chủ mở ngành, trên cơ sở đáp ứng yêu cầu khảo sát của các địa phương, các ngành, các chiến lược phát triển của các Bộ, ban, ngành.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành nhiều cơ chế cho phép các trường chủ động trong đào tạo, ví dụ như Thông tư số 08/2021 cho phép các trường có thể công nhận tín chỉ lẫn nhau, tối đa 50%; Thông tư số 35/2021 cho phép các trường có thể đặt hàng hoặc đấu thầu và thẩm định giáo trình đối với các đơn vị, cá nhân ở trong và ngoài cơ sở đào tạo…

“Chính sách chúng ta đã có rồi, nhưng đôi khi các thầy cô giáo không để ý”, ông Vũ Đức Trung nói.

Về phía các trường đại học hiện cũng đang nỗ lực thu hẹp độ “vênh” giữa lý thuyết và thực tế bằng cách kéo doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy. Đây là một ý tưởng hay theo ông Đoàn Quốc Tâm, Trưởng Ban Hợp tác của VECOM, tuy nhiên những nội dung phối hợp chưa có chiều sâu.

“Khi gặp 25 trường khảo sát, các thầy cô cũng chia sẻ những giảng viên là doanh nhân có thể tham gia thỉnh giảng, nhưng để tham gia phát triển tài liệu, học liệu phục vụ giảng dạy chuyên nghiệp đại trà thì chưa có. Trong khi đó học phần đào tạo tại các nhà trường có thể đáp ứng một phần đào tạo, nhưng đã thích ứng được với thị trường chưa thì còn là thách thức, vì những kiến thức cập nhật từ thị trường lại đến từ doanh nghiệp”, ông Tâm chia sẻ.

Empty

Theo TS. Trần Thị Thập, Phó Trưởng khoa Khoa Quản trị Kinh doanh (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông), hiện nay các trường đại học đều đang bước vào tự chủ, sinh viên là khách hàng, là doanh thu nên họ cũng đang tìm kiếm các cách để thu hút sinh viên.

Với ngành thương mại điện tử mà trường đang đào tạo, TS Thập cho biết đã đưa chuyên gia tại các doanh nghiệp vào đề cương và chương trình đào tạo chính thức, tỉ lệ 20%, vì việc đưa doanh nghiệp vào đào tạo cũng không phải dễ dàng.

“Chúng tôi còn phải kiểm soát nội dung, nếu chúng tôi dành hết cho doanh nghiệp, ví dụ như Facebook họ sẽ chỉ dạy Facebook mà không có Google, đưa cho Shopee thì họ sẽ không dạy Lazada… Ngoài ra chúng tôi còn xây dựng 2 chuyên đề đặt hàng doanh nghiệp chuyên sâu như kinh doanh trên sàn TMĐT trong nước hoặc kinh doanh trên sàn TMĐT quốc tế. Nhưng chúng tôi cũng phải thương lượng với doanh nghiệp xem sinh viên có thể làm được gì. Nếu doanh nghiệp yêu cầu làm digital marketing nhưng fanpage chủ thuộc toàn cầu không có quyền quản trị thì chúng tôi cũng không làm được”, TS Thập cho hay.

Xây dựng một chương trình đại học đã khó, nhưng để thực hiện được chương trình đó còn khó hơn nhiều. Và để giải quyết độ “vênh” giữa nhà trường và doanh nghiệp, trường Đại học Ngoại thương Hà Nội đang đi theo vế thứ hai, tức tìm cách thực hiện chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

“Tại Đại học Ngoại thương, chúng tôi có chương trình Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Để thực thi chương trình, chúng tôi bắt đầu từ những dự án nhỏ, ở đó, các thầy cô phải bỏ nhiều công sức, cùng các bạn sinh viên làm việc sâu hơn với doanh nghiệp để xem doanh nghiệp có vấn đề gì cần giải quyết, và sinh viên, giáo viên có thể làm được gì. Những dự án như vậy chúng tôi đồng hành cùng sinh viên từ năm thứ nhất đến năm cuối cùng. Nó sẽ giúp các bạn sinh viên nhiều kiến thức, kĩ năng, hình thành cho các bạn tư duy cũng như động lực làm việc”, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại thương chia sẻ.

Về phía Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, một sáng kiến cũng được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề thiếu thầy đào tạo nhân lực cho ngành, đó là thành lập Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử. Mạng lưới nhằm kết nối các bên liên quan như cơ sở đào tạo, doanh nghiệp thành viên hiệp hội, các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn nhân lực chất lược cho sự phát triển của ngành.

Những động thái trên đều cho thấy các bên đang rất nỗ lực, mặc dù không còn là sớm nhưng cũng chưa quá muộn để hỗ trợ tốc độ tăng trưởng được dự báo duy trì trên 2 con số của ngành thương mại điện tử Việt Nam trong những năm tiếp theo.

Bài và thiết kế: Huyền Trang