Nhảy việc hậu Covid và nỗi lo lỗ hổng thông tin
(DNTO) - Vấn đề bảo mật thông tin luôn là mối quan tâm của các doanh nghiệp, nhất là khi một nhân viên nghỉ việc, nguy cơ thất thoát dữ liệu thông tin hoặc lộ các kế hoạch hoạt động là rất cao.
Trao đổi với một số doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề, các đơn vị này cho biết mỗi khi tiếp nhận một trường hợp nghỉ việc là lại xuất hiện lo ngại về việc thất thoát thông tin. Có trường hợp một nhân viên kinh doanh khi nghỉ việc đã mang theo toàn bộ dữ liệu khách hàng của công ty, làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh nhiều ngày liền, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh thường nhật. "Chưa kể đến trường hợp người này bán các thông tin nội bộ công ty về lộ trình và kế hoạch kinh doanh cho công ty đối thủ, điều này là mối lo ngại rất lớn trong hoạt động kinh doanh" - một chủ doanh nghiệp cho biết.
Trước tình trạng này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra, đơn giản nhất là việc quy định rõ các điều khoản về bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động hoặc cam kết phụ lục về không tiết lộ thông tin. Nhưng trên thực tế, giải pháp này chưa thực sự đạt được hiệu quả.
Ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng trong việc đảm bảo nguồn thông tin, dữ liệu nội bộ, nhất là trong giai đoạn các ngân hàng đang tích cực triển khai số hóa hoạt động ngân hàng, việc đảm bảo an toàn thông tin nội bộ và thông tin khách hàng là vô cùng quan trọng.
Trả lời về những lo ngại lỗ hổng thông tin trong hoạt động ngân hàng, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Khối vận hành Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam cho biết: "Hiện nay các ngân hàng luôn luôn chủ động có người dự phòng cho các vị trí quan trọng, để đảm bảo khi nhân sự nghỉ sẽ có người thay thế ngay. Chỉ lo ngại việc khi một nhân viên nghỉ sẽ mang thông tin của ngân hàng ra ngoài. Về việc này, ngay từ đầu, ngân hàng và nhân viên phải ký với nhau một cam kết bảo mật, nhưng phải thú thật là tính cam kết và kỷ luật của người Việt không cao, cho nên chắc chắn sẽ có một lượng thông tin bị thất thoát".
Bà Nga cũng cho biết, hiện nay các ngân hàng sử dụng rất nhiều các "rào cản" bảo mật, như nhân viên không thể gửi thư điện tử cá nhân từ ngân hàng ra ngoài, không thể sao chép dữ liệu. "Tất cả mọi thông tin được quản lý trong một hệ thống được mã hóa. Điều này nhằm giảm bớt lượng thông tin thất thoát đến mức tối thiểu. Đây là điều các ngân hàng bảo mật tốt đều đang thực hiện" - bà Nga nói.
Về vấn đề này, hãng luật SBLAW nêu quan điểm: "Thông tin nội bộ mà nhân viên cũ tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh là bí mật kinh doanh thì pháp luật sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp. Trong trường hợp nhân viên đó vẫn đang trong quá trình làm việc hoặc chờ nghỉ việc thì sẽ bị xử lý kỷ luật sa thải theo khoản 1 điều 126 Bộ luật Lao động 2012.
Đối với công ty đối thủ tiếp cận, sử dụng và xâm phạm các thông tin bí mật kinh doanh thì bị xử lý theo khoản 1 điều 45 Luật Cạnh tranh 2018".