Nhà đầu tư ít lạc quan với khả năng “hạ cánh mềm” của Fed
(DNTO) - Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong ngày thứ hai. S&P 500 tăng 35,84 điểm, tương đương 1%, lên 3795,73. Nasdaq Composite nặng về công nghệ tăng 179,11 điểm, tương đương 1,6%, lên 11232,19. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones của nhóm blue-chip tăng 194,23 điểm, tương đương 0,6%, lên 30677,36.
Những ngày qua, các nhà đầu tư càng tăng mối lo ngại về nỗ lực kiểm soát lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed có khả năng gây thiệt hại cho nền kinh tế. Họ ngày càng ít lạc quan rằng Fed có thể thiết kế một cái gọi là “hạ cánh mềm” (Soft Landing: thường mô tả các nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc ngăn chặn nền kinh tế bị nóng lên quá mức, hoặc phải chịu đựng lạm phát cao), việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Đóng cửa phiên 23/6, VN-Index và HNX-Index đồng loạt tăng mạnh. VN30 tiếp tục giữ vững. Sắc xanh vẫn tiếp tục là màu chủ đạo. Nổi bật gồm CTG (+6,99%), POW (+6,92%) GAS (+5,04%), SSI (+4,52%), PNJ (+4,42%). Nhóm bất động sản tiếp tục duy trì mức tăng với CEO (+9,84%), DIG (+6,97%) hay DXG (+6,88%). Nhóm cảng biển và nhóm thuỷ sản cũng cho thấy sự hồi phục. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường khá thấp so với trước đó, chỉ đạt hơn 12,3 nghìn tỷ đồng. Tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư còn đè nặng trên thị trường.
Trong hai ngày điều trần trước các nhà lập pháp, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell thừa nhận những rủi ro và cho biết một cuộc suy thoái có thể xảy ra và một cuộc “hạ cánh mềm” sẽ là “rất thách thức”. Trả lời trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện hôm thứ Năm, ông Powell cho biết Fed sẽ miễn cưỡng cắt giảm lãi suất cho đến khi có bằng chứng rõ ràng là lạm phát đang giảm xuống.
Gerald Goldberg, Giám đốc Điều hành của Công ty cố vấn GYL Financial Synergies, cho biết Fed có thời gian tạo cơ hội để tăng lãi suất là rất giới hạn. Sự suy thoái đáng kể của nền kinh tế sẽ đặt Cục Dự trữ Liên bang vào “tình thế bất khả thi” trong việc vừa đạt được sự ổn định giá cả trong khi giảm tỷ lệ lạm phát và tăng việc làm.
Tình trạng thất nghiệp, một trong những dấu hiệu sớm nhất cho thấy sự yếu kém của thị trường lao động, vẫn duy trì ở mức thấp trong lịch sử. Bộ Lao động Hoa Kỳ cho biết 229.000 người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước. Các số liệu mới cho thấy các nền kinh tế Hoa Kỳ và châu Âu tăng trưởng chậm lại trong tháng này do giá năng lượng và thực phẩm tăng vọt, làm dấy lên mối đe dọa lớn hơn về suy thoái toàn cầu trong bối cảnh lạm phát cao ngất trời và lãi suất tăng đối mặt với các nền kinh tế lớn.
Stephen Innes, đối tác quản lý tại SPI Asset Management, cho biết: “Ngay bây giờ, thị trường đang ở trong trạng thái thay đổi liên tục, tôi không nghĩ rằng thị trường sẽ chuyển sang vùng tăng giá bằng bất kỳ giải pháp nào".
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu kho bạc giảm ngày thứ hai mặc dù vẫn ở gần mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Lợi tức trên trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chuẩn đã giảm xuống 3,068% từ mức 3,155% vào thứ Tư. Lợi tức trái phiếu giảm khi giá tăng.
Tại châu Âu, Stoxx Europe 600 xuyên lục địa giảm 0,8%. Các cuộc khảo sát kinh doanh được công bố hôm thứ Năm cho thấy nền kinh tế châu Âu đã chậm lại đáng kể trong tháng 6 do giá tiêu dùng tăng cao làm giảm nhu cầu đối với một loạt hàng hóa và dịch vụ. Hani Redha, một nhà quản lý danh mục đầu tư của PineBridge Investments, cho biết: “Không chỉ lạm phát là trung tâm của điều đó, mà cả sự tăng trưởng mờ nhạt và lãi suất đang tăng lên”.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu dao động sau khi giảm mạnh hôm thứ Tư. Dầu thô Brent, chuẩn dầu quốc tế, suy yếu 1,5% xuống 110,05 USD/thùng. Các mặt hàng khác có nhu cầu tương quan chặt chẽ với nền kinh tế cũng giảm. Giá đồng đỏ (copper) giảm 4,9%.
Giá năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao nhiều thập kỷ hiện đang ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu. Lo ngại suy thoái kinh tế sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ dầu giảm đã thúc đầy các nhà đầu tư bán ra.
Ông Hani Redha nói: “Tôi đã nói sẽ không có đáy chứng khoán nếu không có đỉnh bền vững của giá dầu và lợi suất trái phiếu”.
Tại châu Á, thị trường chứng khoán hầu hết đều tăng. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 1,3%, trong khi ở Trung Quốc đại lục, chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 1,6%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chỉ tăng ít hơn 0,1%.