Người dùng còn phải chịu cuộc gọi, tin nhắn rác tra tấn đến bao giờ?
(DNTO) - Đã 1 tháng các doanh nghiệp viễn thông triển khai công tác hạn chế tin nhắn, cuộc gọi bán hàng và quảng cáo rác, nhiều người vẫn than phiền vì vẫn nhận các cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo từ số lạ.
Từ ngày 1/10, Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác có hiệu lực. Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi thực hiện tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Giảm "rác" chưa đáng kể
Anh N.V.A (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trong tháng qua anh vẫn liên tục nhận các cuộc gọi giới thiệu, chào mời mua bảo hiểm, đầu tư ngoại hối,… Các cuộc gọi này thường đến vào lúc 6-7 giờ sáng và 6-7 giờ tối.
Anh A. nói: “Tôi rất bực mình vì buổi sáng đi làm, đường đông, vừa nghe điện thoại vừa lái xe chứ không thể dừng lại được. Vì tính chất công việc thường xuyên liên lạc với các đối tác nên tôi buộc phải nghe máy ngay lập tức”.
Chị N.T.N (quận Thủ Đức) than phiền, 4 tháng trước chị có vào vài trang web để xem thông tin đất đai. Thời gian sau, chị liên tục nhận các cuộc gọi giới thiệu đất và tin nhắn chào mời các dự án căn hộ, condotel, thậm chí nhận cả tin nhắn giới thiệu làm bằng giả.
Chị N. cho biết: “Trước đây hầu như ngày nào tôi cũng nhận 7-8 cuộc gọi và rất nhiều tin nhắn, thời gian gần đây ít hơn. Nhưng cách 2 đến 3 ngày, tôi vẫn nhận các cuộc gọi và tin nhắn quảng cáo. Sáng chở con đi học phải nghe điện thoại, chiều đang nấu ăn, chuông điện thoại reo phải chạy vào nghe những lời mời chào dù mình không có nhu cầu. Thực sự tôi không biết nó sẽ tiếp tục diễn ra đến bao giờ mới chịu ngưng”.
Một chủ thuê bao bức xúc nói, nếu số gọi đến là đầu số tổng đài thì có thể quyết định nghe hay không, còn từ thuê bao 10 số thông thường thì nhiều khi buộc phải nghe rồi rước bực bội.
Có thể thấy rằng, việc chào mời, bán hàng thông qua các cuộc gọi và tin nhắn chỉ giảm chứ vẫn chưa dứt. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của rất nhiều người. Đa số không hiểu tại sao số điện của mình vào tay người lạ và cũng chẳng biết phải chặn thế nào vì mỗi lần nhận cuộc gọi hay tin nhắn là một số khác.
Một nhân viên bất động sản cho biết, áp lực về doanh số bán hàng tương đối lớn, trong một quý nếu không bán được hàng sẽ bị sa thải. Để tìm kiếm nguồn khách hàng mới, họ phải dùng data từ công ty để gọi chào bán hàng. Lương cứng chỉ 5 triệu đồng/tháng, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào khoản hoa hồng, tiền thưởng nên mỗi ngày nhân viên phải gọi và nhắn tin cho nhiều số để chào mời.
Hình thức bán hàng qua điện thoại, tin nhắn này còn bị biến tướng thành kênh lừa đảo. Anh Đ.T.B (quận Tân Phú) cho biết nhận một cuộc gọi từ số điện thoại lạ chào mời mua đất tại Bình Dương, anh quyết định đi xem đất và dự định đặt cọc. Nhưng sau đó anh phát hiện sổ đất của mảnh đất mình dự định mua bị làm giả. Từ đó, anh có ác cảm với các cuộc gọi và tin nhắn chào mời mua đất.
Các nhà mạng đã áp dụng biện pháp: các thuê bao di động nằm trong diện nghi ngờ phát đi cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ hỏi người nhận thông qua tin nhắn USSD, SMS, gọi điện để xác thực nội dung. Dựa trên phản hồi của người dùng, nhà mạng sẽ xác định một thuê bao có phải là nguồn phát tán cuộc gọi rác hay không.
Nếu chính xác số máy đó là nguồn phát tán cuộc gọi rác, nhà mạng sẽ khóa chiều gọi đi đối với thuê bao đó và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn cuộc gọi đi hay xử phạt bằng Nghị định 91 đối với các thuê bao thực hiện phát tán cuộc gọi và tin nhắn rác, rất khó triệt để, bởi thị trường vẫn tràn ngập điểm bán sim không chính chủ.
Sim "rác" bán khắp nơi
Ở một số tuyến đường trên địa bàn TP.HCM như Tân Kỳ Tân Quý, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh,… có hàng loạt địa điểm bán sim dọc vỉa hè. Hầu hết loại sim này đã được đăng ký thông tin cá nhân và kích hoạt từ trước, người dùng chỉ cần mua về lắp vào điện thoại và sử dụng ngay, không cần phải đăng ký thông tin như sim mua tại các điểm bán đã đăng ký kinh doanh.
Theo người bán, mua những loại sim này rất tiện dụng vì có nhiều gói cước ưu đãi khi gọi hay nhắn tin cũng như dung lượng 3G dồi dào. Không cần đăng ký thông tin nên muốn vứt hay đổi sim khác lúc nào cũng được.
Việc ngăn chặn các cuộc gọi và tin nhắn rác vẫn chưa ngã ngũ một sớm một chiều. Hàng loạt sim vô chủ tung ra thị trường bừa bãi, không thể xác định được chính xác người dùng thực để xử lý theo Nghị định 91. Nếu có chặn cuộc gọi đi thì lại xuất hiện sim khác.
Cuộc gọi và tin nhắn rác chỉ hạn chế một phần nhỏ. Thời gian tới, chắc chắn người dùng vẫn phải đối mặt với các cuộc “tấn công” từ việc mời gọi, giới thiệu, bán hàng thông qua các cuộc gọi và tin nhắn rác. Người dùng phải đối mặt trong bao lâu nữa vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.