Cứu sống tài xế bị nhồi máu cơ tim khi đang chở học sinh đến trường
(DNTO) - Bệnh viện E vừa cứu sống thành công một nam bệnh nhân bị đau tim đến bất tỉnh khi đang lái xe chở các em học sinh đến trường.
Ngày 3/11, nam lái xe của một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội (46 tuổi, ở Hà Nội), đang trên đường đưa đón học sinh đến trường thì bỗng lên cơn đau thắt ngực trái dẫn đến bất tỉnh ngay tại chỗ. Lúc đó, trên xe có đông các em học sinh có độ tuổi từ 6-11 tuổi, cùng một cô phụ trách quản lý số học sinh trên.
Lập tức cô phụ trách gọi xe đưa bệnh nhân vào một cơ sở y tế gần nhất là trạm y tế, sau đó bệnh nhân tiếp tục được chuyển đến bệnh viện tư nhân gần đó.
Mặc dù các bác sĩ ở bệnh viện tư nhân đã chẩn đoán chính xác là bệnh nhân nhồi máu cơ tim tối cấp cứu và xử trí cấp cứu ban đầu, nhưng tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng. Mạch của bệnh nhân chỉ còn đập 30 chu kỳ/phút (ở người bình thường là 70 - 80 chu kỳ/phút), huyết áp giảm mạnh khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao.
Ngay lập tức, bác sĩ trực cấp cứu đã gọi “cứu viện” cho các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E.
Một y lệnh nhanh chóng được ThS.BS Phan Thảo Nguyên, Trưởng khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E đưa ra. Điểm mấu chốt là sau khi hồi sức cấp cứu tim mạch qua cơn “nguy kịch” thì bệnh nhân cần được can thiệp sớm.
Rất may mắn cho bệnh nhân này, từ khi khởi phát bệnh đến khi được can thiệp thành công chỉ vòng 30 phút, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các bác sĩ tiếp nhận cấp cứu (ở bệnh viện tư nhân dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E), và các bác sĩ Trung tâm tim mạch tiến hành can thiệp đặt stent mạch vành tối cấp cứu chỉ tính bằng phút.
Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thất phải, liên thất phải tắc hoàn toàn, liên thất trái hẹp 80%.
Theo BS. Phan Thảo Nguyên, có hai việc quan trọng nhất khi thấy một người bị nhồi máu cơ tim, đó là gọi xe cấp cứu kịp thời và tiến hành các bước xử lý nhồi máu cơ tim đúng cách. Đây là những yếu tố tiên quyết giúp tăng thêm cơ hội sống và giảm di chứng cho người bệnh.
Sau khi được tiến hành can thiệp 3 giờ, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo.
Chia sẻ về tầm quan trọng của sơ cứu nhồi máu cơ tim đúng cách, GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định, nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương không hồi phục sau 30 phút. Vì thế, thời gian điều trị sớm có ý nghĩa sống còn, và việc sơ cứu ban đầu giúp giảm di chứng, tăng khả năng sống sót cho người bệnh.