Ngành hàng không 'rùng mình' nhìn lại các con số

(DNTO) - Năm 2020, đánh dấu một năm các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong đó, phải nói đến ngành hàng không trong nước nói riêng, quốc tế nói riêng. Hầu hết các chuyến bay thương mại quốc tế phải tạm dừng, chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Các hãng hàng không lâm vào cảnh kiệt quệ
Theo thống kê của Cục hàng không Việt Nam, Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng không rất nặng nề. Sau khi “lệnh” dừng bay quốc tế và giảm tần suất các chuyến bay nội địa về mức gần như bằng 0, hàng trăm máy bay của các hãng nằm “đắp chiếu” nhiều ngày qua và nguy cơ phá sản dần hiện hữu.
6 tháng đầu năm 2020, số liệu chuyến bay khai thác của cả 5 hãng hàng không trong nước đều giảm kỷ lục so với cùng kỳ năm trước. Điển hình là Jetstar Pacific (-59.2%), Vietjet Air (-37.1%), Vietnam Airlines (-32.8%)… Chỉ riêng “tân binh” Bamboo Airways khai thác 13,938 chuyến, tăng 108%. Một phần nguyên nhân của sự chênh lệch này là Bamboo Airways mới bắt đầu khai thác thương mại vào tháng 1/2019 với đội bay nhỏ, hiện nay số tàu bay của hãng đã tăng lên đáng kể.

Hãng hàng không Vietnam Airlines lỗ hơn 10.750 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020. Ảnh tư liệu
Doanh thu hàng không ghi nhận lỗ hàng loạt. Năm 2020 có thể coi là thời gian khó khăn nhất từ trước tới nay đối với Vietnam Airlines khi hãng hàng không này thông báo, trong 9 tháng đầu năm doanh thu đạt gần 24.000 tỷ đồng, lỗ trước thuế hơn 10.750 tỷ đồng.
Jetstar Pacific Airlines cũng rơi vào tình cảnh gần như đóng băng khi hãng này hầu như ở trạng thái ngủ đông trong giai đoạn 19/3 – 18/4 khi số chuyến bay giảm tới 97,2% so với cùng kỳ. Trong 30 ngày, hãng chỉ thực hiện 79 chuyến bay, tương đương hơn 2 chuyến bay mỗi ngày, mức thấp chưa từng có trong lịch sử khai thác của Jetstar Pacific. Công ty con của Vietnam Airline cũng báo lỗ 1,2 nghìn tỷ trong 6 tháng đầu năm.
Theo thống kê, Vietnam Airlines có khoảng 50% (10.000 cán bộ, nhân viên) tạm thời phải nghỉ việc trong giai đoạn hiện nay.
Vietjet Airlines cũng cắt giảm nhân viên khối phòng ban, khối khai thác đặc biệt là phi công và tiếp viên vừa phục vụ bay vừa đảm nhận trực dự bị đề phòng tổ bay có ảnh hưởng từ vùng dịch (cách ly) để đảm bảo công tác bay cho phù hợp.
Những điều chỉnh trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cán bộ công nhân viên của các hãng hàng không, khi hơn 50% nhân lực hãng phải ngừng việc, toàn bộ người lao động phải giảm lương, thậm chí cán bộ từ cấp ban trở lên tự nguyện không nhận lương.
Ngoài việc phải đối mặt với sự nguy hiểm của dịch Covid-19 khi thực hiện những chuyến bay, việc cắt giảm lương hoặc nhân sự đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, cũng như đời sống của nhân sự của các hãng. Trong trường hợp dịch bệnh còn kéo dài thì lao động thuộc các hãng sẽ tiếp tục đứng trong tâm thế thất nghiệp vẫn còn rất lớn.

Ngoài cắt giảm lương và nhân sự, nhân viên hàng không còn đối mặt dịch bệnh trong các chuyến bay. Ảnh tư liệu
Hy vọng từ các biện pháp “giải cứu”
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ngày 27/10 dự báo doanh thu ngành hàng không toàn cầu năm 2021 vẫn sẽ giảm 46% so với năm 2019 và phải đến năm 2024, hàng không thế giới mới có thể phục hồi. Riêng các hãng hàng không Việt Nam dự kiến thiệt hại trên 4 tỷ USD trong năm 2020.
Ngay cả khi cắt giảm chi phí mạnh mẽ, ông Alexandre de Juniac, Tổng Giám đốc IATA cho rằng các hãng hàng không sẽ vẫn cần thêm các khoản cứu trợ từ chính phủ để tránh tình trạng hết tiền mặt. Ngoài ra, ông kêu gọi các sân bay và cơ quan kiểm soát không lưu không tăng giá dịch vụ để bù đắp sự thiếu hụt do nhu cầu đi lại đường hàng không vẫn ở mức thấp. Đồng thời ông nhận định khoảng 1,3 triệu việc làm trong ngành hàng không đang gặp rủi ro và tiềm ẩn tác động xấu tới hàng triệu người lao động khác.
Vì vậy, sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ban, ngành đối các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam lúc này là vô cùng cần thiết.
Ngày 14/7, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hàng không, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ 3.000 đồng xuống 2.100 đồng/lít.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho các hãng được vay gói tín dụng hỗ trợ lãi suất từ 25.000-27.000 tỷ đồng; kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021; giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam; giảm từ 50-70% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết 2021; cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19...
Khi làn sóng Covid-19 thứ hai được khống chế và nhu cầu đi lại nội địa tăng dần nhất là chuẩn bị vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành hy vọng các hãng hàng không sớm vượt qua cơn đại khủng hoảng vừa trải qua.