Nếu còn để chợ cóc tồn tại, người dân khó mua được thực phẩm sạch
(DNTO) - 86% chợ truyền thống ở nước ta có hạ tầng thương mại yếu kém, chưa đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm. Theo các chuyên gia, nếu loại hình chợ này còn tồn tại, sẽ rất khó để cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng thực phẩm.
Trao đổi trong Hội nghị hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn ngành công thương, sáng nay (6/11), bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta hiện vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó, trở ngại lớn nhất là nhận thức của nhiều hộ sản xuất, kinh doanh về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn kém.
“Ở nhiều nước, nguồn thực phẩm đi qua các kênh phân phối lớn nên việc kiểm định dễ dàng. Riêng Việt Nam việc sản xuất lương thực thực phẩm đến từ các doanh nghiệp nhỏ lẻ rất nhiều, trong khi những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm ngày một tinh vi nên rất khó cho cơ quan chức năng truyền thông và kiểm soát”, bà Lê Việt Nga cho biết.
Cũng theo đại diện Vụ thị trường trong nước, một khó khăn trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến từ các chợ truyền thống.
Cụ thể, hiện Việt Nam có 8500 chợ truyền thống, trong đó 86% là chợ hạng 3 và có hạ tầng thương mại rất yếu kém, chưa được nâng cấp và xây dựng theo đúng tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, khả năng kêu gọi vốn xã hội hóa khó khăn.
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội cho biết, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ dân sinh hiện là vấn đề bức xúc.
Bà Phương cho biết, hiện nay, phần lớn hệ thống chợ dân sinh ở thành phố Hà Nội hiện tại đều xập xệ, trong khi có tới 60% lưu lượng người dân mua sắm tại các chợ truyền thống. Vì vậy theo bà Phương, cần đầu tư ngân sách để xây dựng các chợ thương mại đảm bảo tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm để thay thế các chợ truyền thống.
“Tôi nghĩ phải tập trung giải tỏa các chợ cóc, chợ gạo và tuyên truyền sâu rộng cho người dân không nên mua sắm ở những chợ này khi các mặt hàng không được kiểm soát về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của người dân và hướng người dân tiêu dùng một cách an toàn. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm soát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm theo luật định”, bà Phương nêu quan điểm.
Để đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn và quản lý chợ an toàn thực phẩm, bà Lê Việt Nga cho biết, thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Chính phủ về việc tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; đẩy mạnh quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ, trên giao dịch thương mại điện tử, bán hàng đa cấp về thực phẩm…
Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương xây dựng mô "chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm”.
Đến năm 2019, cả nước đã xây dựng được 66 điểm tại 62/63 tỉnh/thành phố (từ nguồn vốn ngân sách trung ương). Hiện đã có 15 tỉnh thực hiện việc nhân rộng và xây dựng được 125 mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm như Thanh Hóa, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long...
Trong năm 2020, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ 6 địa phương gồm Bắc Cạn, Lào Cai, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Bến Tre xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm.