Nền kinh tế Mỹ trong quý 4/2022 cho thấy nhiều điểm yếu, nhưng vẫn còn hy vọng
(DNTO) - Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng vượt mức mong đợi trong quý 4/2022 vừa qua, nhưng đó không thể là kết luận chính xác. Mức tăng nhu cầu tiêu thụ nội địa Mỹ đã là chậm nhất trong vòng 2 năm rưỡi qua, cho thấy sự ảnh hưởng của mức lãi suất cho vay cao.
Ngày 27/1, Bộ Thương mại Mỹ đã tung ra một bản báo cáo chi tiết tổng sản phẩm nội địa. Trong đó, động lực lớn nhất từ mức tăng trưởng lại là các sản phẩm tồn kho của các doanh nghiệp, vốn có thể là hàng hoá không mong muốn.
Trong khi mức chi tiêu của người dùng đã tăng ổn định, một khoản lớn của con số này diễn ra vào đầu quý 4/2022. Doanh số bán lẻ đã đi xuống đáng kể trong tháng 11 và 12/2022. Chi tiêu của các doanh nghiệp đổ vào trang thiết bị cũng đã co lại trong cùng quý và có thể tiếp tục thuyên giảm, do nhu cầu tiêu dùng giữ chiều hướng đi xuống.
Đây có thể sẽ là quý cuối cùng nền kinh tế Mỹ còn giữ mức tăng trong GDP, trước khi hiệu ứng chậm của chính sách tiền tệ bó buộc từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu xuất hiện. Hầu hết các chuyên gia kinh tế dự đoán về một cuộc suy thoái kinh tế vào nửa cuối năm 2023, nhưng có thể sẽ ít trầm trọng hơn so với những đợt suy thoái trước kia, nhờ thị trường lao động vẫn còn rất bền bỉ.
“Nền kinh tế Mỹ sẽ không ‘rớt xuống vực’, nhưng nó sẽ đuối sức dần và bắt đầu co lại trong đầu năm nay”, theo nhận xét của Sal Guatieri, chuyên gia kinh tế cấp cao tại BMO Capital Markets ở Toronto. “Điều này sẽ giới hạn mức tăng lãi suất của Fed xuống chỉ còn hai lần tăng nhỏ trong các tháng tới đây”.
Trong quý 4/2022, tổng sản phẩm quốc nội tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nền kinh tế Mỹ đã hưởng thụ một mức tăng 3,2% trong quý 3. Các nhà kinh tế trước đó đã dự báo GDP sẽ chỉ tăng với mức 2,6%. Chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm ⅔ hoạt động kinh tế tại Mỹ, tăng 2,1%, một mức tăng diễn ra hầu hết vào nửa đầu của quý 4/2022, với lĩnh vực ô tô vận tải dẫn đầu.
Tuy vậy, nhu cầu cho các sản phẩm dài hạn, hay được mua bằng tín dụng, đã sụt giảm rất nhiều. Đây là hậu quả của việc các khoản tiết kiệm hộ gia đình, đặc biệt là hộ có thu nhập thấp, dần cạn kiệt.
Điều này dẫn đến lượng hàng tồn kho tăng dữ dội, lên đến 129,9 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mức 38,7 tỷ ở quý trước, và góp phần tăng thêm 1,46% cho GDP. Nếu bỏ qua hàng tồn kho, các khoản chi của chính phủ, nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ tăng 0,2% - con số này là mức tăng thấp nhất kể từ quý 2 2022 và là mức thuyên giảm so với quý 3 (1,1%).
Những dấu hiệu trên cho thấy khởi đầu của 2023 sẽ không mấy sáng lạn. Nhưng nhiều nhà phân tích kinh tế vẫn còn lạc quan, cho rằng Mỹ sẽ né tránh một cuộc suy thoái trầm trọng, và chỉ trở nên chững lại.
Họ cho rằng các chính sách tiền tệ ngày nay có độ trễ ngắn hơn nhờ có phát triển công nghệ truyền thông, cộng với sự minh bạch của Fed. Giả thuyết rằng những con số xấu vừa qua là cách mà nền kinh tế phản ứng sớm trước nguy cơ lãi suất cho vay tăng cao hơn nữa.
Sung Won Sohn, giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Đại học Loyola Marymount ở Los Angeles, cho biết: “Một phần lớn sự phản ứng cho lãi suất tăng cao đã xuất hiện trong nền kinh tế và thị trường tài chính… Fed đã thành công trong việc ngăn chặn suy thoái kéo dài, và đã đến lúc họ cần nghĩ đến chiến lược rút lui”.
Lạm phát cũng đã nhẹ dần trong quý 4. Thang số lạm phát chỉ tăng ở mức 3,2%, yếu hơn mức 4,8% trong quý 3.
Một báo cáo khác hồi hôm thứ 5 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số nộp đơn trợ cấp thất nghiệp đã xuống còn 186.000, một con số thấp nhất kể từ tháng 4/2022. Các công ty ngoài phân khúc công nghệ, nhà đất và tài chính, đang cố gắng giữ chân nhân công, bởi họ đã từng gặp vấn đề tìm kiếm nhân lực trong thời kỳ đại dịch.
“Không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường lao động rạn nứt vào đầu năm mới” - theo Conrad DeQuadros, cố vấn kinh tế cấp cao tại Brean Capital ở New York.