Năm 2024, nợ xấu ngành ngân hàng có thể phình to?
(DNTO) - Rủi ro tăng cao trong năm 2024 có thể khiến khoản nợ xấu các ngân hàng phình to, đe doạ chất lượng tài sản các nhà băng.
Từ quý 3 năm nay, nợ xấu các ngân hàng đều gia tăng. Theo ghi nhận, tính đến ngày 30/9, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng đạt trên 210 ngàn tỷ đồng, tăng 52% so với cuối năm ngoái. Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng nhiều nhất với tỷ lệ trên 100%, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 69% và nợ có khả năng mất vốn tăng thấp nhất với 12%. Nợ xấu nhiều nhà băng đã tăng trưởng hai, ba chữ số so với thời điểm cuối năm trước.
Dù vậy, thực tế, bộ đệm dự phòng của các ngân hàng lại không theo kịp tốc độ tăng trưởng nợ xấu khi tổng số dư dự phòng rủi ro cho vay khách hàng chỉ tăng 16,7% so với đầu năm 2023, lên gần 200.000 tỷ đồng đến hết quý 3. Điều này càng đặt ra nhiều rủi ro hơn với các con số nợ xấu của năm 2024.
Nhìn sang năm 2024, trong báo cáo mới công bố của KBSV, các chuyên gia nhận định: "Nợ xấu có thể phình to" và càng có sự phân hoá rõ nét giữa các nhà băng.
Cụ thể, rủi ro xuất phát từ các nguyên nhân như thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực vào giữa năm, đưa các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm. Bộ đệm dự phòng vốn đã bị thu hẹp trong năm nay khiến dư địa xử lý nợ cho năm sau không nhiều.
Theo tính toán của KBSV, hiện tại tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu giữa các ngân hàng cũng đang có sự chênh lệch rõ rệt. Trong khi nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn duy trì bộ đệm trên 200%, thì nhóm ngân hàng còn lại đều đã dưới mức 100%.
"Các ngân hàng có tệp khách hàng đa dạng, trích lập đầy đủ, bộ đệm dự phòng vững chắc, ít phơi nhiễm với bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ có khả năng kiểm soát chi phí rủi ro tín dụng tốt hơn các ngân hàng khác. Nhóm ngân hàng top dưới với tỷ kệ bao phủ thấp (chỉ dưới 50%) sẽ chịu nhiều áp lực và không có dư địa để loại bỏ nợ xấu ra khỏi bảng cân đối", các chuyên gia nhận định.
Theo góc nhìn của KBSV, áp lực lên nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn và vừa như MBB, TCB, TPB, MSB… vẫn còn lớn, đến từ tác động không mấy tích cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và những khó khăn từ phân khúc khách hàng cá nhân. Theo đó, "chất lượng tài sản của các ngân hàng tạm thời sẽ được kiểm soát ở mức hiện tại cho đến hết năm 2023, tuy nhiên sẽ cần lưu ý hơn khi bước sang năm 2024", các chuyên gia khuyến nghị.
Trước các nhận định trên, theo dự phóng của các chuyên gia, sang năm 2023, lợi nhuận trước thuế của 27 ngân hàng trong phạm vi theo dõi có mức lợi nhuận tăng trưởng chỉ khoảng 10% trong năm. Cùng đó, tăng trưởng tín dụng được cho sẽ "ấm" hơn so với năm 2023.
Nếu quý 4, tăng trưởng tín dụng được dự báo sẽ khả quan hơn với mức tăng trưởng dự kiến cho cả năm 10-11% do nhu cầu vay tiêu dùng cuối năm; mặt bằng lãi suất cho vay thấp và có xu hướng giảm... thì mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 khả năng đạt 13-14%.
KBSV cho biết, họ kỳ vọng các lĩnh vực của nền kinh tế sẽ tốt dần lên, những khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tháo gỡ để hỗ trợ cho kết quả kinh doanh các ngân hàng.