Mỗi doanh nghiệp là một cầu nối, lan toả sức mạnh mềm văn hoá Việt
(DNTO) - Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, mỗi doanh nghiệp cần trở thành một đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam.
Chiều 10/11, Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư, năm 2024, đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Diễn đàn do Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC) phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức, nhằm triển khai Cuộc vận động "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" và chào mừng Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11).
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần hiện thực hóa các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Hoạt động này nhằm tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hóa trong việc góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong xây dựng và thực hành văn hóa doanh nghiệp...
Thứ trưởng Bộ VHTTDL bày tỏ, thông qua diễn đàn, vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước sẽ tiếp tục được nhấn mạnh, tạo cơ sở khai thác tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực văn hóa như là “đòn bẩy” quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế; đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, hình thành cộng đồng ngày càng đông đảo các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam, tiến tới tiệm cận với tiêu chuẩn văn hóa kinh doanh thế giới để đất nước ta hội nhập nhanh, mạnh, bền vững.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh: “Đảng, Nhà nước đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. Mỗi doanh nghiệp cần trở thành một đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan tỏa “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam".
Tại phiên thảo luận về chủ đề “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa”, trong đó đề cập đến các chủ đề như: "Môi trường đa văn hoá trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu", ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), bày tỏ: Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư gần 90 tỷ USD. Điều đó cho thấy, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc.
Chủ tịch KOCHAM dẫn lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Phát triển kinh tế phải hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ nhằm mục tiêu tối thượng là phục vụ đời sống của con người Việt Nam; văn hóa cần được khai thác như động lực nội sinh quan trọng để phát triển kinh tế, phải được đặt ngang hàng và tương xứng với chính trị và kinh tế...", và nhấn mạnh văn hoá doanh nghiệp là vấn đề cốt lõi để phát triển doanh nghiệp lớn mạnh.
Chủ tịch KOCHAM chia sẻ về những kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Hàn Quốc và cho rằng, muốn vươn ra biển lớn, các doanh nghiệp phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, bên cạnh đó phải có chút mạo hiểm, dám đương đầu...
Đại diện các doanh nghiệp cũng thống nhất trong kinh doanh đa quốc gia, 2 bên phải hiểu được văn hoá của nhau và biết được ngôn ngữ địa phương, văn hoá địa phương là quan trọng. Nền tảng văn hoá và sự tự tin sẽ giúp doanh nghiệp tương tác bình đẳng với đối tác.
Các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đề cập đến rào cản của môi trường đa văn hóa và chia sẻ kinh nghiệm để khắc phục và kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành những vấn đề cần thiết...
Tại phiên 2 với chủ đề "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hoá số tạo nên sự khác biệt", bày tỏ quan điểm về vai trò của văn hóa số trong môi trường kinh doanh thời đại 4.0; những thay đổi căn bản về văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số..., bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet Corporation), Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM, cho rằng, văn hoá số là một phần mở rộng của văn hoá doanh nghiệp, kích hoạt đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp phải chuyển đổi văn hoá số theo mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp, chứ không chuyển đổi theo trào lưu.
Bà Trinh đặt ra 5 trụ cột chính để doanh nghiệp chuyển đổi văn hoá số. Thứ nhất, phải đặt khách hàng là trọng tâm, phải hiểu nhu cầu của khách hàng để mang lại sự hài lòng cho họ, từ đó mới có sự khách biệt với đối thủ.
Thứ hai, lãnh đạo doanh nghiệp phải hạ cái tôi của mình xuống. Đã đến lúc phải có mục tiêu và chiến lược rõ ràng, đưa vào hệ thống sự chuẩn hoá để đưa ra quyết định dựa trên các dữ liệu, không dựa trên ý kiến chủ quan của cá nhân của người lãnh đạo.
Thứ ba, chú ý hiệu suất của doanh nghiệp bằng sự kết hợp giữa con người và AI, qua đó tạo ra giá trị tốt hơn cho doanh nghiệp, giúp phân bổ lực lượng tốt hơn.
Thứ tư, chuyển đổi văn hoá số kích hoạt tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ làm nhiều dự án lớn.
Thứ năm, doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư, mạnh dạn chuyển đổi số. Đừng chuyển đổi nửa vời để rồi đầu tư không đến nơi mà kết quả lại không đạt.
Khi bàn về vấn đề này, GS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Đổi mới sáng tạo Bộ Khoa học và Công nghệ, lưu ý rằng văn hoá doanh nghiệp trong môi trường số vô cùng quan trọng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, quản trị trong doanh nghiệp, nhà nước và xã hội, nên cần kích hoạt văn hoá sáng tạo trong nên kinh tế sáng tạo.
Tại diễn đàn, Ban Tổ chức tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2024 cho 20 doanh nghiệp đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam, do Hội đồng quốc gia xét duyệt “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” lựa chọn. Bộ tiêu chí này đặc biệt phù hợp với điều kiện của các doanh nghiệp và bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay.
Nhân dịp này, 19 phóng viên, 7 tập thể được nhận Bằng khen vì thành tích xuất sắc hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.