'Mở' cánh cửa chăn nuôi tuần hoàn: Chính sách là vấn đề cấp bách nhất

(DNTO) - “Điểm nghẽn” hiện nay đối với các đơn vị sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đó là sự chưa đồng bộ giữa các bộ Luật trong việc coi phụ phẩm của ngành chăn nuôi là nguyên liệu của ngành khác, trong khi Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi đó là “rác thải”.

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi đang được nhiều doanh nghiệp ứng dụng. Ảnh: TL.
Rào cản chính sách là vấn đề cấp bách
Đánh giá về phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp ở Việt Nam, tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức”, sáng 21/3, bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ môi trường (Bộ NN&PTNT) cho rằng, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất của Việt Nam; tỷ lệ thu và tái chế các phụ phẩm còn rất thấp. Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức như nhận thức về kinh tế tuần hoàn tại quy mô doanh nghiệp nhỏ-vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ ở nông thôn, hợp tác xã còn sơ khai, tâm lý ngại rủi ro...
Đặc biệt, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, rào cản chính sách là vấn đề cấp bách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ Luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, trong khi Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi đó là “rác thải”.
Ông lấy ví dụ, chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… lại vướng bởi nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường.
Luật Chăn nuôi quy định động vật, gia súc gia cầm khi bị dịch bệnh phải đưa đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp, trang trại nào muốn hồi phục lại sản xuất phải mất nhiều thời gian lên tới cả chục năm. Ông kiến nghị có thể dùng phương pháp xử lý bằng nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể tái sử dụng vật nuôi đó làm thức ăn cho vật nuôi khác.
Về chăn nuôi bền vững, an toàn, ông Công cho rằng các cơ sở chăn nuôi cần chú trọng ngay từ các khâu đầu vào (thức ăn, vệ sinh môi trường…) để đảm bảo sản phẩm sạch ngay từ quá trình sản xuất. Tiếp đó, các đơn vị phân phối, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cũng phải tham gia chuỗi tuần hoàn này.
“Xu thế trên thế giới, đó là sử dụng thịt mát thay thế cho thịt nóng bởi sẽ bảo quản tốt hơn, hạn chế được những vi sinh vật có hại trong miếng thịt. Có cách nào để quản lý thực phẩm an toàn, các công ty đưa ra thị trường phải đảm bảo, giám sát chất lượng, họ cần chủ động liên kết với các trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào sạch”, ông Công cho hay.
Đồng thời đề xuất, Nhà nước cũng nên tính tới giải pháp “đặt hàng” các cơ sở chăn nuôi dự trữ vật nuôi, từ vài vạn tới vài chục vạn con lợn để chủ động trước các tình huống như giá thịt hơi giảm, người chăn nuôi bỏ chuồng làm giảm nguồn cung ra thị trường, từ đó gây biến động chỉ số CPI quốc gia.

Cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về KTTH. Ảnh: TL.
Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã
Trên cơ sở phân tích những hạn chế trên, TS Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho hay gấp rút xây dựng hành lang pháp lý và tiêu chuẩn hóa KTTH trong lĩnh vực nông nghiệp là điều cần làm càng sớm càng tốt. Tập trung vào hoàn thiện cơ chế chính sách để đưa ra quy chuẩn sản xuất và thương mại hóa.
"Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất áp dụng công nghệ về KTTH. Thúc đẩy liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế", ông Phong nhấn mạnh.
Nêu quan điểm, bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và môi trường (Bộ NN&PTNT), nhận định, các nhiệm vụ về khoa học công nghệ trong nông nghiệp ở Việt Nam cần tiến tới nâng cao nhận thức, vai trò, hiệu quả của các mô hình; hoàn thiện cơ chế và hình thành các cơ chế thúc đẩy đẩy mạnh sản xuất, hỗ trợ phát triển KTTH.
“Để phát triển KTTH trong chăn nuôi, cần phát triển nguồn nhân lực ngành chăn nuôi, mở rộng thị trường sản phẩm được sản xuất theo hướng KTTH, tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình có hiệu quả…
Từ phía Chính phủ, cần có cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn lực cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào các hỗ trợ quan trọng như vốn, mặt bằng sản xuất kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển và chuyển giao công nghệ, phát triển và kết nối thị trường. Huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện KTTH. Điều này sẽ tạo động lực để các doanh nghiệp, Hợp tác xã thực hiện mô hình chuyển đổi, phát triển KTTH", bà Thu nhấn mạnh.