Mặt bằng lãi suất đã giảm 2-3 điểm %, dự báo đà giảm sẽ tiếp tục dò đáy thời gian tới
(DNTO) - Hiện, lãi suất gửi tiết kiệm của ngân hàng thương mại nhà nước cao nhất chỉ còn 5,1%/năm, chưa dừng lại ở đó, chuyên gia dự đoán sắp có đợt đua hạ lãi suất mới, đánh dấu bằng việc mở màn của một "ông lớn" ngân hàng vừa tiên phong điều chỉnh giảm.
Lãi suất huy động cán mức thấp kỷ lục
Tính từ đầu năm, mặt bằng lãi suất trên thị trường đã giảm 2-3 điểm % và có thể sắp có đợt hạ đồng loạt. Tại thị trường 1, các ngân hàng vẫn đang tích cực hạ lãi suất theo định hướng của Chính phủ và NHNN. Tại thời điểm giữa tháng 10, lãi suất huy động 12 tháng nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh hiện phổ biến ở mức 5,3%; nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn (ACB, MBB, VPB, TCB) là 5,38%, nhóm ngân hàng thương mại khác là 5,7%.
Chưa dừng lại ở đó, trong biểu lãi suất huy động mới nhất, ngày 20/10, "ông lớn" Vietcombank đã tiếp tục giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục trong lịch sử ở các kỳ hạn. Cụ thể, người gửi tiết kiệm tại Vietcombank kỳ hạn dưới 2 tháng chỉ hưởng lãi suất 2,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng là 3,1%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng là 4,1%/năm, các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất cao nhất 5,1%/năm. Các mức lãi suất này giảm khoảng 0,2 điểm % so với đầu tháng 10.
Như vậy, chỉ từ đầu tháng 10 đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất huy động với tổng mức giảm khoảng 0,4 điểm % và hiện là ngân hàng có lãi suất tiền gửi thấp nhất trong nhóm "Big4".
Ngoài Vietcombank, trong ngày hôm nay cũng xuất hiện 2 ngân hàng công bố giảm lãi suất tiết kiệm, như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (Dong A Bank) vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm 0,2 điểm % đối với các kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng trở lên. Lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này "rớt" mốc 6% xuống mức cao nhất là 5,85% cho kỳ hạn từ 12 tháng.
Hay tại ngân hàng SHB, giảm 0,1 điểm % ở tất cả các kỳ hạn. Như kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,8%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4,1%/năm, kỳ hạn 4 tháng là 4,2%/năm, và kỳ hạn 5 tháng có lãi suất 4,3%/năm. Ở các kỳ hạn dài hơn, SHB niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 – 8 tháng ở mức 5,4%/năm, kỳ hạn 9 – 11 tháng là 5,6%/năm, kỳ hạn 12 tháng còn 5,8%/năm, và kỳ hạn 13 tháng là 5,9%/năm...
Điều này, theo đánh giá của TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn thị trường tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM, thị trường có thể sắp bước vào đợt hạ lãi suất huy động mới trước khi kết thúc năm nay.
"Lần giảm mặt bằng lãi suất trước đó, Vietcombank cũng là đơn vị đầu tiên công bố giảm lãi, sau đó hàng loạt ngân hàng giảm theo. Động thái của đơn vị này vốn thường mang tính "nắn dòng", định hướng cho thị trường", ông Huân cho hay, đồng thời nhấn mạnh, giảm lãi suất có thể sẽ tập trung hơn ở nhóm "big 4". Dòng vốn ngân hàng lớn này dồi dào, trong khi các ngân hàng khác vẫn sẽ giảm nhưng thận trọng hơn để giữ chân khách hàng.
Theo chuyên gia, yếu tố quan trọng khiến lãi suất huy động "xuống đáy" trong năm nay là tiền không chảy vào được nền kinh tế. Bên cạnh đó, trước các chính sách thắt chặt hơn từ cơ quan quản lý, thị trường trái phiếu, bất động sản trầm lắng theo chuyên gia, khiến dòng tiền chảy vào các kênh này thận trọng hơn thay vì dễ dãi như các năm trước.
Chính sách tín dụng nới lỏng cộng với nhu cầu vốn thấp khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa, thể hiện qua lãi suất vay mượn qua đêm giữa các nhà băng thậm chí về sát 0% một năm. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng không còn phải "lo dự phòng thanh khoản" như giai đoạn cao điểm cuối năm ngoái, sau cuộc khủng hoảng tại SCB cũng như đổ vỡ của các ngân hàng Mỹ...
Lãi vay ra sao khi 'siết' tỷ lệ vốn ngắn hạn?
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp "ngóng" lãi suất cho vay tiếp tục hạ nhiệt, nhất là khi huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, mới đây, việc ngân hàng chính thức áp dụng siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn càng khiến việc tiếp cận vốn thêm khó, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp hầu như bị đóng cửa huy động vốn.
Các chuyên gia công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, trong ngắn hạn, việc hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ làm chậm quá trình giảm lãi suất cho vay những kỳ hạn dài trong bối cảnh nền kinh tế đang cần được hỗ trợ. Đồng thời, sẽ phần nào gây áp lực lên nhu cầu huy động kỳ hạn dài của các ngân hàng, làm tăng chi phí vốn, gây áp lực làm thu hẹp biên lãi ròng (NIM).
Trong báo cáo cập nhật mới đây, KBSV dự báo, lãi suất huy động sẽ đi ngang từ nay đến cuối năm, với mức lãi suất huy động bình quân 12 tháng của các ngân hàng quanh mức 5,45% (giảm 2,8 điểm % so với đầu năm).
"Lãi suất cho vay đã giảm nhanh hơn trong giai đoạn quý III/2023 do các nguồn huy động chi phí cao đáo hạn, tuy nhiên tình trạng nợ xấu cũng ghi nhận tăng nhẹ. Việc NHNN mới áp dụng giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 34% xuống 30%, cùng áp lực từ lạm phát và tỷ giá gây cản trở đà giảm có thể tiếp tục xa hơn. Dự báo lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm 0,25% trong quý cuối năm, giảm 1,75 - 2,25% so với đầu năm", KBSV dự báo.
Tuy nhiên, trong dài hạn, điều này được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng kiểm soát tốt hơn rủi ro thanh khoản, để chuẩn bị cho quy định này, nhiều nhà băng mua lại trái phiếu trước hạn và tập trung phát hành kì hạn dài trong thời gian tới, bên cạnh động lực đến từ mặt bằng lãi suất đã giảm tương đối so với thời điểm trước. Trong đó phải kể đến như: Techcombank, OCB, MSB, TPBank, ABBank, HDBank… cũng đẩy mạnh phát hành và mua lại trái phiếu thời gian qua.
PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng, kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, còn lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng cuối năm nay. Để hạ mạnh lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy động vẫn ở mức hợp lý, đủ hấp dẫn với người gửi tiền thì các ngân hàng thương mại sẽ phải cắt giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành. Từ đó mới có dư địa hạ lãi suất cho vay mà không làm ảnh hưởng đến huy động vốn trong nền kinh tế.