Lòng biết ơn một mẫu mực của triết lý sống đẹp

(DNTO) - Mới đây, chị Hải Nam quê ở Bắc Ninh đã đăng tải trên trang cá nhân của mình bài viết với nội dung muốn tìm lại ân nhân đã cho chị vay 8 chỉ vàng vào hai mươi năm trước. Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền và gây xúc động đối với cộng đồng, khẳng định lòng biết ơn - một phẩm chất cao quý có từ ngàn đời của người Việt – nay đã nâng lên thành một mẫu mực của triết lý sống đẹp
Lòng biết ơn - câu chuyện của đời thường
Trên trang cá nhân của mình, chị Hải Nam (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã chia sẻ một câu chuyện xúc động như sau: Vào năm 2004, chị được một người quen tên Nga (SN 1980, quê ở Phú Thọ), thời điểm đó là công nhân ở Hà Nội, thuê trọ tại Cầu Giấy cho mượn 8 chỉ vàng để trị bệnh cho con gái.
Năm 2005, chị Nam đã trả cho chị Nga được 5 chỉ. Rồi sau đó mất liên lạc hoàn toàn. Chị cất công nhiều năm đi tìm chị Nga nhưng không gặp. Nay chị muốn đăng tin tìm gặp lại ân nhân, đồng thời để trả nốt 3 chỉ vàng con nợ.

Câu chuyện xúc động chia sẻ trang cá nhân của chị Hải Nam tìm ân nhân. Ảnh Internet
Tuy nhiên, ngày 14/3, mạng xã hội Facebook lại xuất hiện thông tin câu chuyện "Người phụ nữ tìm ân nhân cho vay 8 chỉ vàng chữa bệnh cho con 20 năm trước" chỉ nhằm câu like không có thật.
Đáp trả lại, tối 16/3, chị Hải Nam (ở Bắc Ninh) xác nhận đã tìm được chị Nga. “Em khẳng định câu chuyện này có thật 100%. Em chỉ mong tìm được bạn em thôi, còn tất cả điều khác không quan trọng đối với em" - chị Nam chia sẻ.
Đăng tin tìm ân nhân để nói lời cảm ơn không phải là chuyện hiếm. Sáng ngày 3/9/2019, Nguyễn Hải My (22 tuổi, ngụ quận Tân Bình) chạy xe đạp điện trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình, TP.HCM) thì xảy ra va chạm với một chiếc xe hơi. Sau va chạm, tài xế xe hơi đã lái xe bỏ đi. Cô được một tài xế xe ôm công nghệ giúp đỡ đưa tới bệnh viện. Trong lúc hoảng loạn My không ghi nhớ được gì về người đã giúp đỡ cô.
Ông Nguyễn Xuân Thủy (49 tuổi), bố My, lúc đó đang công tác ở Hà Nội, tức tốc bay về TP.HCM. Ông Thủy liền đăng tải câu chuyện lên Facebook, nhờ cộng đồng mạng tìm ân nhân đã giúp con gái mình để được trực tiếp nói lời tạ ơn.
Cho đến nay, cũng chưa thể khẳng định một cách chắc chắn 100% câu chuyện của chị Hải Nam là có phần nào “hư cấu” không. Nhưng cho dù thế nào thì câu chuyện, bản thân nó đã truyền tải một thông điệp tích cực về lòng biết ơn, giúp ta trân trọng hiện tại, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.
Lòng biết ơn trong văn học dân gian
Trong kho tàng văn học dân gian nước ta, không biết bao nhiêu câu tục ngữ, ca dao, hò vè, dân ca, truyện cổ tích… nói về lòng biết ơn. Là người Việt Nam ai cũng thuộc câu: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”… Đặc biệt là bài đồng dao trở thành bài học đạo đức với biết bao thế hệ người Việt: “Ăn một bát cơm/Nhớ người cày ruộng/Ăn đĩa rau muống/Nhớ người đào ao/Ăn một quả đào/Nhớ người vun gốc/Ăn một con ốc/Nhớ người đi mò/Sang đò/Nhớ người chèo chống/Nằm võng/Nhớ người mắc dây/Đứng mát gốc cây/Nhớ người trồng trọt”.

Tượng đài Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ. Ảnh: Internet
Lòng biết ơn trong tín ngưỡng
Trong tín ngưỡng Phật giáo: Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, đức Phật Thích Ca đã đứng yên chiêm bái cây bồ đề trong suốt một tuần để tỏ lòng tri ân cây bồ đề đã che chở nắng mưa cho ngài trong suốt thời gian tầm đạo. Đây có lẽ bài pháp đầu tiên đức Phật dạy chúng sanh về lòng biết ơn.
Còn trong Dutiyasiṅgāla Sutta, bài kinh thứ hai mà đức Phật thuyết giảng cho nhân loại sau khi ngài giác ngộ thì: Lòng biết ơn là một pháp tu, không bao giờ được lãng quên mà cần luôn ghi nhớ và thực hành.
Tương tự như đức Phật Thích Ca tri ân cây bồ đề, trong quyển sách của mình, Nancy Leigh Demoss - giáo viên Kinh thánh nổi tiếng người Mỹ - kể: Trước khi đi đến thập tự giá, vào buổi tối Tiệc Thánh, Chúa Jêsus đã dừng lại ba lần trong bữa ăn để tạ ơn bánh và chén. “Đây không phải là lời tạ ơn bắt buộc trước bữa ăn… Khi tạ ơn về bánh và chén, vào trao cho các môn đồ, thực chất Chúa Jêsus đang sẵn lòng phó sự sống của mình theo sứ mệnh Cha dành cho con... Ngài phó chính mình vì Đức Chúa Trời và thế gian, không phải bởi ép buộc, nhưng với thái độ bằng lòng… và với lòng biết ơn, biết ơn vì đặc ân được vâng lời Cha Ngài và làm trọn sứ mệnh Ngài đã được sai đến thế gian để hoàn thành”, bà chia sẻ.
Vượt ra ngoài phạm vi tôn giáo, vượt ra ngoài ý nghĩa ban đầu là mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa, hằng năm, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận Ngày Lễ Tạ ơn (Thanksgiving) là ngày nghỉ lễ chính thức cho tất cả người lao động, là một ngày quan trọng để sum họp, để chào đó những thành viên ở xa về đoàn tụ gia đình.

Mong rằng mỗi chúng ta ai cũng có câu chuyện về lòng biết ơn thật tuyệt vời trong hành trang cuộc đời của riêng mình. Ảnh Internet
Lòng biết ơn là sợi dây kết nối giữa con người với nhau qua việc cho và nhận. Lòng biết ơn được nâng lên thành nghệ thuật sống, một mẫu mực của triết lý sống đẹp. Với người Việt, tri ân và báo ân đã kết thành một truyền thống, thành hệ quy chuẩn để đánh giá chuẩn mực đạo đức không chỉ của mỗi cá nhân mà là của cả một dân tộc. Điều này đã được người Việt thể hiện rõ nét qua việc đền ơn đáp nghĩa các gia đình chính sách, tìm kiếm quy tập hài cốt và chăm lo phần mộ liệt sĩ, chăm sóc thương binh, nuôi nấng các Mẹ Việt Nam anh hùng…
Mong rằng mỗi chúng ta ai cũng có câu chuyện về lòng biết ơn thật tuyệt vời trong hành trang cuộc đời của riêng mình.