‘Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế…’
(DNTO) - Bên cạnh dòng người dắt díu nhau trở về quê tránh dịch sau khi Sài Gòn nới lỏng giãn cách, có những đoàn người khác cũng lần lượt từ giã Sài Gòn sau khi hoàn thành sứ mệnh chi viện giúp thành phố chống dịch. Họ trở về, mang theo lòng biết ơn của người Sài Gòn và nỗi niềm bịn rịn chia tay.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Sài Gòn với số ca nhiễm tăng theo từng giờ, số ca bệnh trở nặng và tử vong cũng mỗi ngày nhích dần lên. Trước tình hình đó, khắp mọi miền Tổ quốc đều hướng về Sài Gòn qua việc chi viện nguồn nhân lực cùng thành phố chung tay chống dịch. Các y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên thuộc các trường Y Dược, học viên các Học viện Quân Y, chiến sĩ các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… ở phía Bắc lần lượt "Nam tiến” vào Sài Gòn hỗ trợ, tiếp sức người dân thành phố.
Ngoài lực lượng y, bác sĩ trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, còn lại hầu hết là các bạn trẻ, rất trẻ, đặc biệt là những chiến sĩ bộ đội trong vai trò tình nguyện viên. Mặc dù các địa phương phía Bắc cũng đang quyết liệt chống dịch nhưng mọi người vẫn sẵn sàng chi viện cho TP.HCM. Đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn vốn nổi tiếng là xứ đô hội phù hoa vào những ngày đang ở đỉnh dịch, chứng kiến thành phố trống trải đìu hiu khác xa hình dung của rất nhiều người, nhưng lại là động lực khiến mọi người lao vào công việc với quyết tâm rất lớn.
Họ sẵn sàng dốc hết sức trẻ và nhiệt huyết của người "chiến sĩ", bất kể đó là nhiệm vụ nào: Lấy mẫu xét nghiệm; truy vết ca bệnh; tiêm phòng vaccine; quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại bệnh viện; tư vấn sức khỏe, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cách ly tại gia đình; phối hợp vận chuyển hàng hóa, túi an sinh; phát nhu yếu phẩm, đi chợ giúp dân; tuần tra, chốt chặn, kiểm soát…
Họ làm việc liên tục, bất kể ngày đêm, mưa nắng, ăn không đúng bữa, ngủ không đủ giấc trong những điều kiện tạm bợ. Nhiều người dân thấy cảnh "con cháu người ta" vất vả nhưng xót xa như con cháu mình, thương quá nên mang cho ly nước, cái bánh; những "chiến sĩ" ấy dù đang đói, khát cũng không thể ăn vì không dễ dàng tháo khẩu trang cùng bộ đồ bảo hộ che kín mặt mũi. Họ miệt mài chữa trị, chăm sóc, động viên bệnh nhân và động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ.
Đã có những chiến sĩ mắc Covid-19 trong lúc làm nhiệm vụ, có những tình nguyện viên nhận tin bố mẹ mất nhưng không thể về chịu tang. Có trường hợp, đến ngày lên xe hoa, cô dâu “mắc” vào Nam làm tình nguyện viên, phải tổ chức “lễ cưới online” đơn sơ với chú rể ngoài Bắc.
Hôm nay, có thể Sài Gòn đã vượt qua “thời kỳ nguy hiểm”, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đội quân chi viện cũng đến ngày trở về nhà. Hai tháng ngắn ngủi đồng hành cùng người dân Sài Gòn chống dịch, nhưng trải qua bấy nhiêu ngày gồng mình đối mặt gian khổ, nguy cơ lây nhiễm, mắc bệnh và tử vong đã đủ dài để thách thức sức chịu đựng của con người và cùng nhau thấu cảm. Biết bao nghĩa tình đồng đội, tình quân dân đã kịp để lại trong lòng chúng ta sự cảm kích, trân trọng, quý mến và luyến lưu.
Những dỗi hờn, trách móc, không vừa lòng, thậm chí tranh luận, cãi vã… nếu có rồi cũng như gió thoảng bay, bởi trên hết là tình nghĩa đồng bào, đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong cơn hoạn nạn.
“Lòng trĩu buồn bởi ngày mai sẽ rời xa nơi này về lại đơn vị, gần hai tháng ở đây với tôi là một bầu trời kỷ niệm”, đó là tâm tư của thiếu úy Hà Sỹ Quý (trung đội trưởng Trung đội Công binh 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) trước giờ lên đường trở về sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Với nhiều người, kỷ niệm của họ đơn giản chỉ là những gương mặt vui mừng, nụ cười hớn hở, tiếng hò reo khi thấy bộ đội mang thực phẩm tới; những lời khen ngợi, động viên, sự thấu hiểu, chia sẻ của người dân Sài Gòn; là những cơn mưa chợt đến, chợt đi của thành phố này. Nhưng với tôi, hình ảnh các bạn trẻ tình nguyện viên lên xe trở về quê trong một đoạn clip vừa xem khiến lòng trào dâng cảm xúc bùi ngùi khó tả.
Buổi tiễn đưa diễn ra trong lưu luyến, bịn rịn. Có nước mắt chia tay, có cái ôm siết chặt, có cái vẫy tay ngập ngừng và ánh mắt buồn rười rượi dõi theo. Không dưng tôi liên tưởng tới một câu chuyện tình của hai người trẻ ở hai đầu Nam Bắc. Có thể là đó là chuyện tình chớm nở giữa một bác sĩ hay người lính tình nguyện với cô gái Sài Gòn. Những mối tình nảy sinh từ trong gian khổ, vất vả, mệt nhọc và sự lo lắng, sẻ chia cho nhau; giữa lằn ranh của sự sống và cái chết… khiến tôi nhớ đến những mối tình trong chiến tranh và lòng chợt thắt thẻo trước một cuộc chia ly.
Nhưng rất nhanh, trong tôi hân hoan một niềm tin, rằng những đôi lứa vừa chớm lửa yêu ấy, sẽ tìm lại nhau, trong một ngày rất gần, bởi tình qua gian khó là tình bền lâu.
Chuyến vào Nam đặc biệt này, với các bạn trẻ còn là trải nghiệm khó quên, hẳn cũng giúp mỗi người trưởng thành hơn, biết yêu quý và trân trọng hơn cuộc sống. Xin gửi đến những chiến binh tình nguyện phương Bắc lời cảm ơn chân thành của người dân Sài Gòn khi đồng hành cùng chúng tôi những ngày gian khó.
Mong sẽ được đón các bạn trở lại thăm một Sài Gòn hoa lệ, năng động, đầy sức sống với những người dân hiền hòa, hiếu khách, trọng tình nghĩa.
Tạm biệt nhé, các chiến binh tình nguyện, “lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế…” (Chưa bao giờ buồn thế - Cung Trầm Tưởng)