Có một thế hệ trẻ đã thể hiện lòng biết ơn như thế
(DNTO) - Trong hai ngày diễn ra quốc tang, chỉ riêng tại Hội trường Thống Nhất (Q1, TP.HCM) đã có gần 60.000 người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Điều đặc biệt là phần đông trong số đó là các bạn trẻ ở độ tuổi sinh viên, học sinh. Đây là một tín hiệu rất đáng vui mừng về một thế hệ trẻ tiếp nối với đầy đủ phẩm hạnh của một công dân ưu tú. Phẩm hạnh đó chính là lòng biết ơn.
Khi vừa có thể tiếp thu lời dạy của ông bà cha mẹ, người Việt Nam ta đã được răn: “Uống nước nhớ nguồn” “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Lớn lên một chút, ai cũng thuộc nằm lòng bài đồng dao Nhớ ơn: “Ăn một bát cơm/Nhớ người cầy ruộng/Ăn đĩa rau muống/nhớ người đào ao/Ăn một quả đào/Nhớ người vun gốc/Ăn một con ốc/Nhớ người đi mò/Sang đò/Nhớ người chèo chống/Nằm võng/Nhớ người mắc dây …”
Biết ơn là truyền thống, là văn hóa của người Việt, là thứ đạo lý thầm nhuần trong huyết quản, nó tạo nên cốt cách người Việt. Người Việt xưa, theo quan niệm Khổng Tử, công ơn tiền bối được sắp xếp theo thứ tự: “Quân - sư - phụ” tức là Vua - thầy - cha. Quan điểm này theo thời gian có nhiều thay đổi. Từng lúc nó được hiểu theo một cách mới mẻ hơn, sao cho phù hợp với thời đại. Nhưng ý nghĩa cốt lõi của nó cho đến thời điểm này vẫn không thể phủ nhận.
Ví dụ như công ơn sinh thành dưỡng dục, công ơn dạy dỗ của thầy cô giáo… tuy biểu hiện mỗi thời mỗi khác nhưng cho dù loài người có trải qua một tỷ năm nữa chắc chắn đạo lý này vẫn còn tồn tại.
Tất nhiên, là con người ai cũng mang nặng công ơn cha mẹ thầy cô. Nhưng trên hết là công dân của một đất nước có quốc huy, quốc kỳ, quốc ca… đặc biệt được sống trên chính mảnh đất của Tổ quốc mình, chúng ta không thể quên công ơn của tổ tiên đã dựng nước; Công ơn của các chiến sĩ, đồng bào đã ra sức gìn giữ và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Ngoài sự ghi nhớ công lao của tiền nhân, của ông bà cha mẹ, thầy cô… trong cuộc sống hằng ngày chúng ta còn chịu ơn rất nhiều người xung quanh đã cưu mang, giúp đỡ mình như bà con lối xóm, cơ quan đơn vị, đồng nghiệp, bạn bè… Thể hiện lòng biết ơn chính là chúng ta mang lại những mối quan hệ tích cực trong cuộc sống, tạo ra một môi trường sống vui vẻ, tốt đẹp, hạnh phúc, nhiều tình yêu thương và phát triển bền vững.
Lòng biết ơn được thể hiện thông qua tình cảm, thái độ, lời nói, hành động… nhưng không nhất thiết phải cầu kỳ, càng không nên sáo rỗng mà cần chân thành và có ý nghĩa.
Để tỏ lòng biết ơn, ở nước ta, nhiều hoạt động, chương trình kỷ niệm đã trở thành tập quán, mỹ tục, được đưa vào quy tắc thậm chí trở thành quy chế như Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày Thương binh liệt sĩ, Ngày Hiến chương nhà giáo, Ngày giổ tổ các ngành nghề, Ngày giỗ họ, Ngày giỗ ông bà cha mẹ…
Đối nghịch với lòng biết ơn chính là sự vô ơn. Vô ơn là lối sống: “Qua cầu rút ván”, “Ăn cháo đá bát”, “Vắt chanh bỏ vỏ”, “Được chim bẻ ná, được cá quên nơm”…
Gần đây, trên các trang mang xã hội, các diễn đàn… nhiều ý kiến phân tích về sự phát triển, hòa nhập của xã hội, về sự thay đổi mô hình gia đình dẫn đến quan điểm giáo dục bị cho là lệnh lạc của bố mẹ. Ví dụ, việc sinh ít con khiến trẻ em thời nay thường chiếm vị trí “độc tôn” trong gia đình. Chúng luôn là tâm điểm mà cả nhà xoay quanh. Chúng được yêu thương, chiều chuộng, bao bọc kiểu “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Chúng được cung cấp trang bị tiện nghi vật chất quá mức...
Theo các chuyên gia, những đứa trẻ sống trong môi trường như thế dễ trở thành những đứa trẻ vô ơn bởi chúng coi sự hy sinh đó là hiển nhiên. Trong mắt chúng, tồn tại một quan điểm gọi là "nguyên quyền", nghĩa là con cái sinh ra có quyền đòi hỏi cha mẹ, cha mẹ đương nhiên là phải có trách nhiệm với con cái. Thậm chí dẫn đến việc chúng xem cha mẹ như nô lệ của mình.
Cùng với những gì nhìn thấy trong thực tế, những thông tin đại loại như thế khiến chúng ta rất lo lắng, thậm chí hoang mang trước mối đe dọa sẽ sản sinh ra một thế hệ trẻ vô ơn, nếu bố mẹ không điều chỉnh lại cái cách thương yêu con cái.
Tuy nhiên, trong hai ngày tiễn biệt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ, đông đảo các bạn trẻ, có nhiều bạn rất nhỏ được bố mẹ đắt theo. Nhiều bạn ở cách xa mấy cục cây số vẫn đội nắng đứng chờ tiễn biệt Bác trong trật tự, nghiêm kính rất văn minh. Nhiều bạn có những hành động cử chỉ rất đáng cảm kích như lấy dù che cho các chiến sĩ, quạt mát cho đồng bào, tiếp tế nước uống, nhiều bạn không kiềm được nức nở khóc gọi tên Bác…
Qua những gì mà các bạn trẻ thể hiện, chúng ta có thể tràn trề niềm tin, hy vọng và lạc quan về một thế hệ trẻ tiếp nối nhân cách sống mà cha ông đã dày công vun đắp, đó là lòng biết ơn. Biết ơn vị lãnh đạo đã tận hiến cho đất nước đến giấy phút cuối cùng.
Trong niềm tin tưởng lạc quan ấy, chúng ta nhất là các bố mẹ trẻ cũng nên nhìn nhận lại cách chúng ta rèn luyện, xây đắp lòng biết ơn cho con cái chúng ta ngay khi chúng còn bé, bằng bài học đầu tiên là nói lời cảm ơn khi nhận của ai đó một món gì hoặc được giúp đỡ một việc gì. Bởi lòng biết ơn, cũng như những phẩm chất khác của con người, không tự nhiên mà có. Lòng biết ơn được xây dựng bằng giáo dục, rèn luyện và giữ gìn từ thế hệ này sang thế hệ khác.