Bài học nào cho thảm họa cháy ‘chung cư mi ni’

(DNTO) - Hỏa hoạn ở các tòa nhà, chung cư, trung tâm thương mại, quán karaoke… bấy lâu là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân. Bởi ở đó, con số thương vong thường rất lớn. Đã có nhiều biện pháp, quy định nhanh chóng ra đời để đối phó, xử lý, ngăn chặn nhưng cháy vẫn cứ tiếp diễn.
Sau vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế ở TP.HCM vào năm 2002, có lẽ vụ hỏa hoạn ở chung cư mini số 37, Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, vào tối 12/9/2023 là vụ cháy có số người thương vong lớn nhất tại Việt Nam với 56 người thiệt mạng, 44 người bị thương.
Mới đây, vụ án đã được đưa ra xét xử. Sáng 14/3, sau 2 ngày nghị án, HĐXX sơ thẩm TAND TP. Hà Nội đã tuyên án đối với 8 bị cáo có liên quan về các tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bị cáo Nghiêm Quang Minh, chủ nhà, bị tòa tuyên mức án 12 năm tù, buộc phải bồi thường hơn 23,7 tỷ đồng cho các nạn nhân.

Các tòa chung cư mini, nhiều căn nằm sâu trong ngõ ngách với quy mô nhỏ và xen kẽ trong các khu dân cư là nơi có nguy cơ cháy nổ rất lớn. Ảnh minh họa
Theo cáo buộc năm 2015, bị cáo Nghiêm Quang Minh được UBND quận Thanh Xuân cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ trên thửa đất 240m2 ở số 37, phố Khương Hạ gồm 6 tầng, tầng lửng và tum thang. Tuy nhiên, sau đó Minh tự ý thay đổi thiết kế công trình, xây dựng thành 9 tầng và 1 tum, vượt quá 3 tầng và 12 phòng so với giấy phép xây dựng. Công trình không được lập hồ sơ thiết kế, thẩm duyệt, nghiệm thu, quản lý về phòng cháy chữa cháy.
Bài học rút ra từ vụ cháy
Quá trình xét xử, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội đánh giá, trách nhiệm đầu tiên trong vụ án thuộc về bị cáo Nghiêm Quang Minh, chủ đầu tư (trú phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Vì lòng tham, với mong muốn có thêm một số căn hộ để kinh doanh thu lợi nên Minh tự ý xây dựng vượt tầng, vượt mật độ xây dựng ngoài giấy phép. Nghiêm trọng hơn, tòa nhà bị xác định có hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy chữa cháy. Cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo, nhưng các vi phạm này không được phía ông Minh khắc phục. Đã vậy, trong biên bản bàn giao các căn hộ, ông còn đẩy hết trách nhiệm phòng cháy chữa cháy về phía cư dân.
Cũng theo đại diện VKS, nguyên nhân tiếp theo dẫn đến vụ hỏa hoạn chung này là hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng của các cán bộ, sự buông lỏng quản lý của các lãnh đạo, cán bộ cơ quan quản lý Nhà nước đã tiếp tay cho Nghiêm Quang Minh xây dựng không đúng với giấy phép, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Mặc dù trong quá trình xây dựng, cơ quan chức năng có phát hiện và đã ra quyết định đình chỉ thi công, xử phạt, buộc phá dỡ phần xây dựng sai phép, đồng thời ra quyết định cưỡng chế thi hành xử phạt. Tuy nhiên, do thiếu trách nhiệm, các cán bộ có nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên đã để mặc cho công trình tiếp tục xây dựng.
Tuy nhiên về phía cư dân cũng có phần liên đới trách nhiệm, do chủ quan, do thiếu kiến thức pháp luật, không thật sự quan tâm, coi trọng việc phòng cháy chữa cháy… Theo nội dung biên bản giao nhà đã được công chứng, có ghi nội dung, bên B (cư dân) cam đoan biết rõ căn hộ hình thành do xây dựng ngoài diện tích được cấp phép. Đồng thời hợp đồng cũng ghi rõ, việc phòng cháy chữa cháy là do cư dân tự chịu trách nhiệm. Chứng tỏ khi bán căn hộ, ông Minh đã “chơi bài ngửa” với cư dân, họ biết rõ mà vẫn chấp nhận. Khi xảy ra vụ cháy, mọi người mới phát hiện mình không hiểu rõ, đầy đủ về phòng cháy, chữa cháy qua việc mở "chuồng cọp" hay làm cửa chống cháy.
Cháy! Bài học có học phí cực đắt nhưng khó thuộc
Hỏa hoạn có thể xảy ra ở khắp mọi nơi. Nhưng ám ảnh nhất là cháy xảy ra ở các tòa nhà, chung cư, văn phòng làm việc, trung tâm thương mại, quán karaoke… Nơi mà con số nạn nhân thương vong rất lớn, hậu quả để lại rất nặng nề. Như vụ cháy quán karaoke An Phú làm 32 người chết ở Bình Dương năm 2022; vụ cháy chung cư Carina làm 13 người chết ở Q.8, TP.HCM. Và con số thương vong lên đến hàng trăm như cháy “chung cư mi ni” ở Khương Hạ, Hà Nội.

Lực lượng chức năng đưa các nạn nhân ra khỏi hiện trường vụ cháy. Ảnh: Internet
Thế nhưng sau đó, “bà hỏa” vẫn được thả tự do lang thang khắp nơi. Theo Bộ Công an, từ ngày 16/9/2023 đến ngày 15/9/2024, trên toàn quốc xảy ra 3.922 vụ cháy, làm chết 103 người, bị thương 78 người, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 296,1 tỷ đồng.
Thiệt hại về người nặng nề nhất được ghi nhận ở vụ cháy nhà trọ ở Trung Kính, Hà Nội khiến 14 người tử vong vào ngày 24/5/2024. Gần đây nhất là vụ phóng hỏa quán cà phê tại số 258 Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến 11 người thiệt mạng, 7 người bị thương.
“Nước xa không cứu được lửa gần”
Chiều 13/3, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, Thượng tá Nguyễn Thăng Long, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, thông tin về việc thực hiện Chỉ thị 19/2024. Theo đó, sau ngày 30/3/2025, chung cư mini, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà trọ không bảo đảm an toàn PCCC sẽ phải dừng hoạt động. Riêng tại TP.HCM, dừng hoạt động sau ngày 30/3/2025 theo diện này là 5.155 cơ sở, bao gồm nhà trọ, phòng cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao.
Tuy nhiên, ngoài những biện pháp cấp thời, một trong những giải pháp có tính chất lâu dài để không xảy ra cháy nổ ở các khu nhà ở kiểu “chung cư mi ni” tại các đô thị đông dân lao động, theo các chuyên gia, là phát triển nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội giá rẻ giúp người lao động có thu nhập thấp tiếp cận một cách dễ dàng. Nhà ở xã hội đáp ứng được các tiêu chí về diện tích, về kết cấu và điều kiện phòng cháy chữa cháy sẽ góp phần ngăn chặn hiệu quả nạn cháy ở các “chung cư mi ni”.

Bị cáo Nghiêm Quang Minh (chủ chung cư mini, trái) cùng cựu phó chủ tịch phường tại phiên tòa - Ảnh Internet
Phòng cháy hơn chữa cháy
Với hỏa hoạn, tất cả sự hỗ trợ cứu giúp đều là “vật ngoài thân”. Trước khi những quy định pháp lý được áp dụng; được kiểm tra thì việc cần làm ngay của mỗi người dân, nhất là các cư dân tại các chung cư mi ni, là tự cứu mình. Cần tăng cường ý thức, kỹ năng về nguy cơ cháy nổ; trang bị những thiết bị phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt là mở lối thoát hiểm thoát nạn qua lô gia, ban công, cửa sổ, tạo lối qua lồng sắt... Thông thoáng khu vực cầu thang, hành lang, không nên tiếc khoảng không gian này mà tận dụng để đồ đạc.