Để phòng tránh cháy nổ, ngoài các biện pháp còn là sự thức tỉnh lương tâm
(DNTO) - Bàng hoàng, thương tiếc cho các nạn nhân xấu số và đau xót cho thân nhân của họ là tâm trạng chung của người dân trước thảm họa đặc biệt nghiêm trọng này. Đối với đại đa số người dân sống ở các chung cư và những ai có người thân sống ở chung cư, cháy từ lâu đã là nỗi lo lắng thường trực, nay càng thêm chất chồng sợ hãi.
23 giờ 50 phút đêm 12/9, trên địa bàn phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội xảy ra một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại số nhà 37, ngõ 29/70, phố Khương Hạ. Đó là một chung cư mini có diện tích hơn 200m2 được xây kiểu nhà ống với 1 mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân, chia làm gần 50 căn hộ cho thuê với khoảng 150 người dân sinh sống, chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên.
Tính cho tới 19h ngày 13/9, đã có 56 người tử vong và 37 người bị thương. Trong đó, số học sinh thương vong là 29 em. Một con số làm bàng hoàng hàng trăm triệu trái tim người Việt.
Những cuộc điện thoại chưa kịp dứt câu của đứa con gọi về: “Bố ơi cháy rồi, con bị ngạt rồi"; “Bố ơi, cháy chung cư rồi, các cháu chết hết, con cũng chết đây”…, khiến người cha bàng hoàng chết lặng trong bất lực. Có người vợ trẻ phút chốc trở thành góa phụ, có những đứa con chịu cảnh mồ côi khi chưa kịp trưởng thành, có nhiều bạn sinh viên đang phơi phới tương lai, là niềm tin, là hy vọng cho bố mẹ ở quê, nay bỗng chốc vĩnh viễn ra đi dưới ngọn lửa ác nghiệt, mà chưa kịp nhận ra vì sao mình chết. Có nhà chết không còn ai. Thật không có gì đớn đau hơn nữa.
Chúng ta từng chứng kiến rất nhiều tai nạn từ lửa làm thiêu rụi không biết bao nhiêu tài sản, của cải và hóa hư không rất nhiều mạng sống con người. Đã là người dân Sài Gòn không ai không nhớ vụ cháy Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29/10/ 2002. Đây là vụ cháy làm chấn động dư luận thành phố và cả nước lúc bấy giờ. Hậu quả, làm thiêu rụi phần lớn tòa nhà ITC, cướp đi sinh mạng của 60 người và làm bị thương khoảng 100 người.
Những vụ cháy quán karaoke xảy ra liên tiếp cũng từng gây hoang mang dư luận như chúng ta đã biết. Vụ cháy quán karaoke trên đường Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội vào ngày 1/11/2016 khiến 13 người thiệt mạng - một vụ hỏa hoạn với 13 sinh mạng con người không khiến người ta rút ra được bài học gì. Tiếp sau đó, ngày 1/8/2022 quán karaoke ISIS ở số 231 Quan Hoa (quận Cầu Giấy) lại cháy. Thật đau đớn, trận hỏa hoạn này đã khiến 3 chiến sĩ thuộc Đội Phòng cháy chữa cháy Công an quận Cầu Giấy hy sinh, trong đó chiến sĩ Nguyễn Đình Phúc chưa bước qua tuổi 20. Vậy mà một tháng sau, ngày 6/9/2022, lại cháy quán karaoke An Phú ở Thuận An, Bình Dương làm chết 32 người.
Riêng việc cháy chung cư nói chung và cháy chung cư mini nói riêng cho đến nay cũng không phải việc hy hữu. Thậm chí đến hai lần cháy xảy ra cách nhau hai năm trong cùng một chung cư là trường hợp của Hồ Gươm Plaza, (Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội).
Mới đây, sau 5 năm xảy ra thảm kịch khiến 13 người tử vong và 72 người bị thương, sáng ngày 5/4/2023, TAND TP.HCM vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm các bị cáo có liên quan đến vụ cháy chung cư Carina Plaza (đường Võ Văn Kiệt, P.16, Q.8, TP.HCM).
Chung cư hiện nay là mô hình nhà ở phổ biến trong các đô thị. Nó phù hợp với gia đình hạt nhân một, hai thế hệ. Đặc biệt cùng với nhiều lợi ích khác thì giá cả căn hộ vừa với túi tiền của đa số người dân. Tuy nhiên, ở chung cư, đặc biệt cái gọi là “chung cư mini”, cháy nổ là nguy cơ được xếp vào bậc nhất.
Khác với thiên tai, tai nạn hỏa hoạn đa phần là do con người gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra. Ở đây chúng ta thấy rõ có ba chủ thể liên quan.
Thứ nhất là vai trò của chính quyền và các ngành chức năng trong việc cấp phép xây dựng, cấp phép hoạt động, chứng nhận an toàn PCCC, trong việc kiểm tra sự chấp hành các quy định về phòng cháy chửa cháy của cơ sở… Để xảy ra sự quan liêu, tiêu cực có nghĩa là sẽ trả giá bằng tính mạng của nhiều người dân vô tội.
Kế đến là chủ đầu tư, chỉ vì chú trọng lợi nhuận về kinh tế, họ đã tận dụng tối đa quỹ đất để xây dựng, không chú trọng lối thoát hiểm; Trang bị hệ thống phòng cháy chữa cháy sơ sài; chủ quan lơ là với các quy định về phòng cháy chửa cháy. Lòng tham khiến họ xem nhẹ tính mạng người khác. Thậm chí biết hệ thống PCCC hư hỏng nhưng vẫn không sửa chữa, thay thế dẫn đến hệ thống PCCC không hoạt động khi phát sinh vụ cháy là trường hợp của chung cư Carina. Nhiều trường hợp bị xử lý, đình chỉ hoạt động, cơ sở kinh doanh karaoke vẫn ngoan cố lén lút hoạt động.
Sau cùng là bởi sự bất cẩn của cư dân. Trường hợp thường gặp là trẻ con nghịch lửa, người lớn thắp hương, đốt nến ban thờ, vứt tàn thuốc lá lung tung vào những vị trí dễ bắt lửa, ra khỏi nhà quên tắt bếp gas, do chập, cháy nguồn điện…
Đã đến lúc chúng ta nên xem “chống giặc lửa” ở chung cư là trách nhiệm của toàn xã hội. Phải phòng ngừa từ sớm, từ xa, chứ không phải để nó xảy ra rồi mới tỏ ra sốt sắng tổng kiểm tra, tích cực khắc phục hậu quả, truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm minh đúng người đúng tội, hỗ trợ tài chính người chết người bị thương, thăm hỏi động viên an ủi…
Bởi vì cho dù chúng ta có “ra sức khắc phục” thế nào, trừng phạt nghiêm minh thế nào, “xin nhận trách nhiệm” thành khẩn thế nào… thì cái giá mà chúng ta phải trả cũng là mạng người, rất nhiều người.
Không chỉ người chết, người sống cũng lâm cảnh màn trời chiếu đất, bởi trong các loại tai nạn, cháy nhà và chìm ghe là hai loại tai nạn làm mất của cải một cách “sạch sành sanh” nhất, không sót lại thứ gì.
Để tránh cháy nổ, ngoài các biện pháp còn là sự thức tỉnh lương tâm của con người.