Lo ngại dòng vốn cho doanh nghiệp đứt gãy đột ngột khi siết room tín dụng cho khách hàng lớn
(DNTO) - Từ 1/7, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ mức tối đa 15% hiện nay xuống 10% vốn tự có của ngân hàng. Điều này giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro, nhưng có thể khiến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn phải chật vật, khó khăn tiếp cận vốn.
Kể từ khi thị trường trái phiếu, bất động sản rơi vào cảnh "chợ chiều”, điều dễ nhận thấy là một lượng lớn tín dụng có nguy cơ trở thành nợ xấu đang lớn dần. Nguyên nhân do nhiều nhà băng có xu thế tập trung tín dụng vào một số tập đoàn tư nhân, thậm chí là các sân sau của ngân hàng mà phần lớn dính đến thị trường bất động sản.
Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng, chiếm quy mô khoảng 67% tài sản của toàn hệ thống, đến cuối năm 2022, tổng tài sản của các ngân hàng tăng 17% đạt hơn 12,7 triệu tỷ đồng. Trong đó có 17 ngân hàng ghi nhận quy mô tài sản tăng trên 10%. Vốn tự có tăng đồng nghĩa với giới hạn cấp tín dụng tuyệt đối cho một khách hàng hoặc khách hàng và người có liên quan cũng tăng rất nhiều.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến cho ngân hàng gặp phải khó khăn trong quá trình tăng trưởng về dư nợ cũng như ảnh hưởng đến chất lượng tài sản nếu như có xảy ra sự gián đoạn trong hoạt động của các khách hàng lớn. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra các quy định để giám sát dòng vốn từ ngân hàng chảy vào các quan hệ sở hữu nhưng vẫn cần đề phòng các hành vi "lách luật".
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, quy định về lộ trình giảm giới hạn cấp tín dụng chính thức bắt đầu. Theo đó, trong vòng 5 năm tới (đến năm 2029), các ngân hàng thương mại và ngân hàng nước ngoài giảm dần hạn mức tín dụng đối với một khách hàng nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng tập trung. Như vậy, tỷ lệ tối đa cấp tín dụng/vốn tự có với một khách hàng tại ngân hàng sẽ giảm dần từ 15% về 10%; đối với một khách hàng và người liên quan sẽ giảm dần từ 25% về 15% trong 5 năm (đến 2029).
Cụ thể, từ ngày luật chính thức có hiệu lực thi hành đến 1/1/2026, hạn mức tín dụng đối với 1 khách hàng giảm xuống 14% vốn tự có của ngân hàng hoặc 23% vốn tự có của khách hàng và người có liên quan; từ năm 2026 đến trước ngày 1/1/2027 lần lượt giảm 13% và 21%; năm 2027 đến trước 1/1/2028 giảm lần lượt xuống còn 12% và 19%; từ năm 2028 đế trước ngày 1/1/2029 giảm xuống 11% và 17%; từ 1/1/2029 trở đi giảm xuống 10% và 15%.
Quy định mới này được đánh giá sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro cho vay phụ thuộc vào một nhóm khách hàng, tránh gây bất ổn cho hệ thống. Tuy nhiên, một số ngân hàng tỏ ra lo lắng, quy định trên sẽ khiến việc cấp tín dụng cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ bị ảnh hưởng.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc sửa đổi các giới hạn này. Theo lý giải của cơ quan này, việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, chi phí vốn tăng cao, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro. Hơn nữa, việc này còn có thể tác động tiêu cực đến thu hút FDI của Việt Nam.
Theo các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp quy định này được áp dụng, các doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% và 25% theo Luật hiện hành sẽ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới. Việc giảm khả năng vay trong nước của khối FDI đối với các ngân hàng này sẽ tốn nhiều chi phí hơn và khiến dòng vốn có thể sẽ phải huy động từ nước ngoài, do vậy kém hấp dẫn hơn trong thu hút FDI.
Ngân hàng mong có cơ chế đặc thù
Theo chuyên gia, mức độ ảnh hưởng của việc “siết” giới hạn cấp tín dụng đối với các ngân hàng là khác nhau. Riêng với các ngân hàng nhỏ, mức độ ảnh hưởng không quá lớn. Lãnh đạo MB cho hay, giai đoạn trước, MB áp dụng tỷ lệ cho vay tối đa với một khách hàng là 10%, nhóm khách hàng là 20% (dù luật cho phép 15% và 25%) để quản trị rủi ro. Với các dự án lớn, MB chọn hình thức thu xếp nguồn vốn quốc tế để chia sẻ rủi ro. Vì vậy, quy định mới sẽ không tác động quá lớn đến MB.
Tuy nhiên, với những ngân hàng có lượng khách hàng là doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vietcombank, mức độ ảnh hưởng là không nhỏ ở cả ở hai phía. Do vậy, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank, kiến nghị, nên có cơ chế ngoại lệ cho những ngân hàng lớn kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản để có thể cung ứng vốn kịp thời cho nền kinh tế. Trên thực tế, nhóm các ngân hàng lớn vẫn có chương trình vay hợp vốn. Đơn cử như Vietcombank, BIDV, VietinBank với gói vay 1,8 tỷ đồng xây dựng sân bay Long Thành.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, mặc dù giảm room tín dụng được cấp cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, song NHNN đã cho phép cơ chế là các tổ chức tín dụng đồng tài trợ.
“Nếu một ngân hàng cho vay một doanh nghiệp có nhu cầu vốn rất lớn thì mức độ tập trung rủi ro tín dụng sẽ rất lớn. Việc đồng tài trợ sẽ là chia rủi ro đối với các ngân hàng. Khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì các ngân hàng cũng chia sẻ. Trong trường hợp các ngân hàng không đồng tài trợ được thì vẫn có một cơ chế là Thủ tướng Chính phủ quyết định", Thống đốc lý giải.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định trên sẽ khiến việc tiếp cận vốn với một số doanh nghiệp lớn, có nhu cầu vốn cao gặp khó khăn nhất định. Chính phủ cần có giải pháp phát triển mạnh hơn các kênh huy động vốn khác của doanh nghiệp, giảm phụ thuộc vào tín dụng.
"Giải pháp căn cơ để "thông" dòng vốn hiện nay, theo các chuyên gia là phải thúc đẩy đầu tư công và mở van cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong khi việc đẩy mạnh đầu tư công đang vướng nhiều luật và không thể đẩy nhanh một sớm một chiều. Do đó, phải có giải pháp cấp bách hơn nữa để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư", ông Lực nêu quan điểm.