Liệu Nghị định 126 có đi ngược lại xu thế số hóa?
(DNTO) - Nghị định 126/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ đầu tháng 12 có một số nội dung nhận nhiều sự chú ý của dư luận. Một số nội dung về thông tin người nộp thuế và mức thuế phải đóng của các đối tác chạy xe công nghệ gây nên nhiều tranh cãi trái chiều.
Người kinh doanh qua mạng tìm đường lách luật
Theo đó, nghị định 126 quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của các cá nhân nếu được yêu cầu. Đây được xem là giải pháp quản lý và đảm bảo việc thu thuế từ thương mại điện tử. Các thông tin có thể được yêu cầu cung cấp gồm giao dịch qua tài khoản, số dư, số liệu giao dịch. Đặc biệt, hàng tháng, ngân hàng thương mại phải cung cấp cho cơ quan thuế về thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: Tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.
Quy định mới này sẽ mở đường cho công tác thanh tra, kiểm tra việc nộp thuế đồng thời tiến hành thu thuế cưỡng chế đối với một số trường hợp cần thiết. Đây chính là công cụ mới để ngành thuế có thể hoàn thành nhiệm vụ. Điều này tạo nên áp lực cho các cá nhân đang kinh doanh qua mạng xã hội.
Chị Thu, người dùng mạng xã hội Facebook cho biết: "Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên gần cả năm nay tôi nhập một số mặt hàng quần áo về bán qua Facebook, mua bán trực tuyến nên tôi thường giao dịch tiền bạc qua ngân hàng. Hay tin có nghị định mới yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin các chủ tài khoản, tôi cũng lo lắng không biết mình có trong diện truy thu thuế không?".
Cũng kinh doanh qua mạng xã hội như chị Thu, anh Đức Mạnh (Q.Gò Vấp) cho biết anh sẽ chuyển sang hình thức giao dịch khác nếu thuộc diện bị truy thu thuế theo nghị định 126. "Chắc là sẽ không giao dịch qua ngân hàng nữa, có thể tôi chuyển sang các dịch vụ chuyển phát hay giao dịch trực tiếp nếu khách của tôi ở trong địa bàn TP.HCM. Việc này hơi bất tiện nhưng bán qua mạng lời không bao nhiêu mà còn bị thu thuế thì khó lắm."
Tài xế công nghệ có nằm trong vùng ảnh hưởng?
Việc triển khai Nghị định 126 bắt đầu từ ngày 5/12 cũng nhận được sự quan tâm từ cánh lái xe công nghệ. Theo điểm c khoản 5 Điều 7 của Nghị định 126 quy định: "Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lí thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh".
Theo đại diện Grab, với quy định trên, từ ngày 5/12, các công ty kết nối vận tải như Grab và các ứng dụng khác hoặc các hợp tác xã là đối tác vận tải của công ty sẽ phải chịu trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế cho toàn bộ doanh thu của tài xế xe công nghệ. Cụ thể: Về thuế giá trị gia tăng (GTGT), các đơn vị hiện nay khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ với mức thuế suất 10% của doanh thu. Còn từ 5/12, tài xế sẽ phải nộp 10% thuế GTGT đầu ra như doanh nghiệp thay vì mức hiện hành là 3% theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015.
Đi vào thực tế, anh Đinh Hoàng, tài xế đối tác Grabcar cho biết đến nay vẫn chưa biết rõ mức thuế phải đóng sau ngày 5/12 sẽ là bao nhiêu, vẫn giữ nguyên mức 3% hay là 10%. "Một ngày thu nhập của tôi khoảng hơn 3 triệu đồng/ 8 tiếng chưa tính đến các chi phí xăng dầu, thuế phí và khấu hao xe. Nếu giờ thuế tăng nữa thì rất khó sống. Chạy taxi có khi còn cao hơn."
Còn đối với các đối tác xe máy, nhiều người đã tính đến phương án chạy song song giữa xe công nghệ và xe truyền thống. Ông Toàn lái xe GoJek khu vực bến xe miền Đông cho biết lâu nay ông vẫn chạy xe công nghệ, nhưng ai bắt xe trực tiếp ông vẫn đi để kiếm thêm. "Giờ mình cứ chạy cả 2 như vậy, nếu thu thuế cao quá thì về lại chạy truyền thống như trước thôi."
Đi ngược xu thế số hóa?
Người kinh doanh online chuyển sang offline, lái xe công nghệ trở về với taxi và xe ôm truyền thống.. Đây là những yếu tố đi ngược lại với xu hướng số hóa xã hội mà nhà nước đang nỗ lực triển khai. Việc yêu cầu thông tin thuế là cần thiết để cơ quan thuế có thể thực hiện tốt trách nhiệm của mình, đảm bảo không để thất thoát ngân sách nhà nước. Đặc biệt là khi thương mại điện tử đang dần trở thành một lĩnh vực có quy mô lớn và phát triển cực nhanh tại Việt Nam.
Ngoài ra, lợi dụng tình trạng trên, nhiều cá nhân, tổ chức nước ngoài cũng đẩy mạnh kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam nhưng lại không hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế, tạo ra thất thoát lớn về ngân sách.
Tuy vậy, các quyết sách nên chăng cần có cơ chế thích hợp để hỗ trợ các cá nhân có thể đạt hiệu quả trong kinh doanh, vừa đảm bảo ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, vừa đóng góp đầy đủ nghĩa vụ để đảm bảo nguồn thu hợp lý cho ngân sách nhà nước.