Liên hoan 'Giai điệu mùa thu 2022' sôi nổi với nhiều hoạt động
(DNTO) - Liên hoan trở lại sau 2 năm khó khăn vì dịch bệnh với nội dung đổi mới, phong phú về thể loại và các hoạt động bên lề, trên cơ sở kế thừa những thành quả đạt được từ 12 lần tổ chức trước đây, do Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch Thành phố (TP.HCM) thực hiện.
Liên hoan lần này với chuỗi các chương trình nghệ thuật đặc biệt, phong phú và mới mẻ về phong cách trong hai lĩnh vực âm nhạc, múa hàn lâm sẽ ra mắt khán giả thành phố, du khách gồm các thể loại: Vũ kịch, Hòa nhạc giao hưởng, Thanh xướng kịch…
Đêm khai mạc tưng bừng với những phong cách âm nhạc khác nhau trên thế giới và những ca khúc nổi bật của Việt Nam, có sự tham gia của hai nghệ sĩ opera người Nga nổi tiếng. Bên cạnh đó là đêm nhạc với sự trình diễn của các tài năng âm nhạc trẻ đang gây được sự chú ý của khán giả yêu nhạc. Chương trình bế mạc sẽ là đêm hòa nhạc chất lượng cao với sự tham gia của các nghệ sĩ khách mời tài năng: NSƯT Bùi Công Duy (Hà Nội), Nguyễn Trinh Hương (Hà Nội), Dmitry Feygin (Nhật Bản).
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn, liên hoan sẽ có hai tọa đàm về âm nhạc và múa cung cấp những kiến thức, góc nhìn mới về hai loại hình nghệ thuật này tới công chúng.
Tọa đàm âm nhạc có sự tham gia của một số nhân vật nổi tiếng trong vai trò diễn giả như nhạc sĩ Dương Thụ, NSƯT Trần Vương Thạch, NSƯT Hoàng Ngọc Long, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Những quan điểm, góc nhìn đa chiều và khách quan về vai trò, vị trí của nền âm nhạc hàn lâm, cụ thể là lĩnh vực âm nhạc giao hưởng – thính phòng và nhạc kịch hiện nay tại TP.HCM nói riêng, Việt Nam nói chung.
Cùng chung tay để tìm giải pháp và phương thức phát triển chất lượng nghệ thuật của các hoạt động giáo dục âm nhạc cũng như các hoạt động biểu diễn âm nhạc trong đời sống xã hội hiện nay và nâng cao thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng, đặc biệt là của giới trẻ.
Tọa đàm múa được tổ chức ngày 14/9 với chủ đề “Những góc nhìn mới và sáng tạo trong vở ballet Kiều” cùng các diễn giả trực tiếp biên đạo và dàn dựng tác phẩm: Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng. Những diễn viên ballet của HBSO sẽ biểu diễn những trích đoạn của vở và giao lưu trải nghiệm về nghề nghiệp, cuộc sống với khán giả. Ngoài ra, khán giả sẽ được mời thử nghiệm những ví dụ sinh động về múa cùng những diễn viên-hướng dẫn viên, cùng tư duy nghệ thuật cũng như những trải nghiệm về không gian trên sân khấu.
Múa Kiều sẽ được tổ chức biểu diễn giới thiệu vào ngày 16/9 lúc 20g00, đây là tác phẩm được HBSO dàn dựng và diểu diễn tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2020, sau đó được biểu diễn lại ở Hà Nội và đã trở thành một trong ba tác phẩm đoạt giải cao nhất và Giải Xuất sắc tại Liên hoan Ca múa Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc 2022 vừa qua. Vở múa dựa trên nội dung tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã được dịch ra 20 thứ tiếng.
Dự án lớn này đã được đặc biệt ủy nhiệm bởi Hiệp hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhằm mục đích kết hợp tinh thần văn hóa Việt Nam với kỹ thuật múa châu Âu. Tác phẩm được biên đạo bởi thạc sĩ, biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh và biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng, âm nhạc của Vũ Việt Anh và Chinh Ba.
Múa Kiều có sự tham gia biểu diễn bởi các nghệ sĩ múa xuất sắc: NSƯT Trần Hoàng Yến, NSƯT Hồ Phi Điệp và NSƯT Đàm Đức Nhuận, cùng các nghệ sĩ Sùng A Lùng, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Đặng Minh Hiền, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Minh Tâm, Phan Thái Bình, Hà Ôn Kim Tuyền và những nghệ sĩ khác. Múa Kiều được thiết kế hologram bởi Trần Chương và thiết kế trang phục bởi Khánh Diệp.
"Các vũ công nữ phải được đào tạo bài bản về giày mũi cứng và các vũ công nam phải có những kỹ thuật phức tạp cần có trong múa cổ điển và kết hợp những kỹ thuật này vào các động tác vũ đạo của họ để truyền tải nội tâm của tác phẩm", theo lời của nghệ sĩ Tuyết Minh.
Đêm nhạc bế mạc liên hoan sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ khách mời xuất sắc và Dàn nhạc Giao hưởng HBSO - một đêm diễn thực sự có ý nghĩa và chất lượng nghệ thuật cao. Chương trình sẽ biểu diễn tác phẩm của hai nhà soạn nhạc vĩ đại Ludwig van Beethoven và Nikolai Rimsky-Korsakov.
Beethoven sáng tác Triple Concerto cho violin, cello và piano vào năm 1803 khi ông 33 tuổi. Tuy nhiên, 5 năm sau đó tác phẩm này mới được công diễn. Tác phẩm thú vị này, bản concerto duy nhất mà Beethoven từng viết cho hơn một nghệ sĩ độc tấu, sẽ được biểu diễn tại TP.HCM bởi nghệ sĩ violin NSƯT Bùi Công Duy, nghệ sĩ cello Dmitri Feygin và nghệ sĩ piano Nguyễn Trinh Hương.
Liên hoan Giai điệu mùa thu được tổ chức ngoài mong muốn tiếp tục đưa loại hình nghệ thuật hàn lâm trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của thành phố, tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Đồng thời còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trong nước giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn với các nghệ sĩ quốc tế, từng bước phát triển loại hình nghệ thuật hàn lâm của thành phố sánh tầm với các nước trong khu vực châu Á cũng như các nước trên thế giới.
Ban tổ chức cũng thông qua liên hoan tạo cơ hội để quảng bá hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa, góp phần phát triển du lịch.
Điểm đặc biệt trong liên hoan lần này là toàn bộ vé tham dự các chương trình hoàn toàn miễn phí sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công chúng thành phố và du khách tham dự những hoạt động âm nhạc và chương trình biểu diễn đỉnh cao của nghệ thuật hàn lâm.