Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 tại TP.HCM thu hút nhiều đơn vị tham gia
(DNTO) - “Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021”, được tổ chức lần 2 tại TP.HCM, từ ngày 3/1 đến 17/1 năm 2022, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các sân khấu phía Nam, dù ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh khá dài vừa qua.
Nhiều sân khấu chờ đợi để nhập cuộc
Lúc 20g ngày 3/1, “Liên hoan Kịch nói toàn quốc – 2021” tại TP.HCM, đã khai mạc. Dù các sân khấu tại TP.HCM vẫn chưa sáng đèn sau những tháng ảnh hưởng dịch trầm trọng, nhưng Liên hoan đã thu hút khá nhiều đơn vị nghệ thuật, với 20 đơn vị nghệ thuật đã chuẩn bị sẵn sàng ra mắt 26 tác phẩm được đầu tư, dàn dựng trong điều kiện khó khăn của dịch Covid-19 . Trong đó có 11 đơn vị đến với Liên hoan với tư cách là những công ty có chức năng sản xuất phim và kịch, cùng các nhóm kịch không có nhà hát.
Sự xuất hiện của họ đã tạo nên sự phong phú, đa dạng cho cuộc thi. Điều thú vị là một số sân khấu chưa từng tham gia Liên hoan như Hoàng Thái Thanh, cũng đã nhập cuộc với hai kịch bản: "Sài Gòn có một ngã tư" (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội), và "Bạch Hải Đường" (nguyên tác: Nguyễn Huỳnh, chuyển thể kịch nói: Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: Ái Như).
Để tìm hiểu lại thị hiếu khán giả, đơn vị này cũng công bố bán 100 vé cho mỗi đêm dự thi. Kết quả, chỉ sau hai ngày công bố đã hết vé. Nghệ sĩ Ái Như cũng bày tỏ nỗi nhớ sân khấu, chị cho rằng đây cũng là dịp để các nghệ sĩ được gặp lại nhân vật và khán giả.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi những ngày qua cũng ráo riết cùng ê kíp tập dợt cho vở dự thi Blouse trắng (kịch bản: Miên Thảo, đạo diễn: Hữu Tiến). Vở kịch quy tụ đến 40 diễn viên để thể hiện đủ các thành phần trong bối cảnh của một bệnh viện dã chiến.
Trịnh Kim Chi cho biết: “Khi chứng kiến hình ảnh y, bác sĩ đã chiến đấu giành giật sự sống cho từng bệnh nhân, từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam đợt đầu tiên, tôi đã ấp ủ câu chuyện về sự hy sinh này.
Đến lúc dịch bùng phát mạnh, người nhiễm và chết gia tăng nhanh, trong đó sự cống hiến và hy sinh của lực lượng tuyến đầu là rất lớn. Tôi càng bị thôi thúc phải làm gì đó để tri ân và ghi lại những hành trình gian nan không thể quên của TP.HCM… Nhưng dịch bệnh khiến toàn xã hội bị giãn cách nên tôi tạm cất giữ lại ý định này. Sau giãn cách tôi đã chủ động liên lạc với tác giả Miên Thảo để bàn bạc và lên ý tưởng về kịch bản này…”.
Các đơn vị Sân khấu 5B góp mặt 2 vở: "Tình lá diêu bông" (kịch bản và đạo diễn: NSƯT Hữu Quốc), và "Công lý như mặt trời" (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Chánh Trực).
Sân khấu Sen Việt của ông bầu NSƯT Lê Nguyên Đạt tham dự vở "Mảnh vỡ" (kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt).
Hội Sân khấu TP.HCM tham gia với vở "Chuyện làng" (kịch bản: Ngọc Trúc, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt).
Sân khấu Hồng Vân góp mặt 2 vở "Ngã rẽ" (kịch bản: Tân Nhật, đạo diễn: Xuân Trang ) và "Ngôi nhà trên thuyền" (kịch bản: Cát An, đạo diễn: Xuân Trang)…
Bên cạnh các cựu binh như Nụ cười mới, công ty Hero Film, năm nay Công ty Sử Việt do nhà thiết kế Sĩ Hoàng thành lập cũng mang đến cuộc thi vở kịch lịch sử "Khóc giữa trời xanh" (kịch bản: Lê Chí Trung, đạo diễn: Phùng Nguyên)…, như một lát cắt thú vị cho công chúng.
Cú hích cho sự sáng đèn trở lại
NSUT Mỹ Uyên cho biết, năm nay các sân khấu kịch đứng trước quá nhiều khó khăn. Các sân khấu đầu năm liên tục ra vở mới, nhưng không biểu diễn được bao nhiêu thì dịch ập đến, mọi thứ phải đóng cửa cho đến hiện tại. Việc duy trì các diễn viên tập dợt, theo sân khấu là nỗ lực không nhỏ của các bầu sân khấu.
Đó cũng là lý do, khi đợt Liên hoan lần 1 tại Hải Phòng, các đơn vị không đủ kinh phí và điều kiện tham dự, Liên hoan lần 2 này như một cú hích, giúp các sân khấu tìm lại được cảm hứng sáng tạo và thăm dò thị hiếu khán giả trong mùa tết sắp đến.
Cùng trong nỗi lo lắng đó, nghệ sĩ Ái Như cũng chia sẻ, do tình hình dịch vẫn còn phức tạp sân khấu Hoàng Thái Thanh gặp khó khăn về vấn đề kinh phí để giữ được lực lượng hậu đài, kỹ thuật. Chị cũng không kỳ vọng về huy chương, mà chỉ tìm cơ hội để được gặp khán giả, được sống trong khôn khí làm nghệ thuật. Đây cũng là dịp các bầu sân khấu chuẩn bị tinh thần cho việc sáng đèn trở lại, để nhận ra khán giả yêu cầu gì từ phía các nghệ sĩ.
Liên hoan Kịch nói toàn quốc là hoạt động nghệ thuật luôn được công chúng yêu nghệ thuật mong đợi, là điều kiện thuận lợi cho diễn viên và các đơn vị nghệ thuật Kịch nói trong và ngoài công lập được giao lưu, trao dồi thêm về nghề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nghệ thuật trên lĩnh vực kịch nói.
Đồng thời sân chơi này sẽ là nơi tôn vinh những sáng tạo trong lao động nghệ thuật, các văn nghệ sĩ xuất sắc, bên cạnh đó góp phần làm dày thêm thành tích, vinh danh những giá trị của nghệ thuật diễn xuất. Diễn đàn này còn giúp cho các cơ quan quản lý và các tổ chức tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp thực tiễn vận động của văn học nghệ thuật nước nhà.