Lễ hội sông nước TP.HCM: Đậm phần lễ, nhạt phần hội
(DNTO) - Phần Lễ hoành tráng, nhiều sáng tạo đậm chất lịch sử cũng như tính cách vùng sông nước Sài Gòn nhưng dường như vẫn không cứu nổi phần hội quá nhạt dù thực tế có khá nhiều hoạt động trải nghiệm được giới thiệu rất hoành tráng.
Trước hết, không thể phủ nhận sự nỗ lực của ban tổ chức trong việc tổ chức Lễ hội sông nước lần 2, mà điểm nhấn là chương trình nghệ thuật đêm khai mạc. Những ai được coi trực tiếp chắc chắn vẫn còn đọng lại cảm xúc dâng trào bởi sự đầu tư quy mô cùng với những kỹ xảo hiện đại tạo nên những bối cảnh bắt mắt, độc đáo. Nhưng suốt 10 ngày diễn ra lễ hội, các hoạt động tiếp theo (các môn thể thao dưới nước, các hội thi, gian hàng trên bờ…) được tổ chức rải rác ở nhiều quận khiến mọi thứ trở nên loãng, rời rạc, không đủ gây sự chú ý của người dân cũng như du khách.
Đại diện một doanh nghiệp có gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch đường sông cho hay, cũng giống như Lễ hội sông nước lần 1, việc quảng bá thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp tham gia (tài trợ hoặc gian hàng trưng bày) khá mờ nhạt, không hiệu quả mà thời gian diễn ra Lễ hội lại quá dài khiến cho doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi khi phải sắp xếp nhân sự trực gian hàng. Một số nhân viên bán hàng ở Bến Bình Đông cũng khẳng định, lượng khách tham quan ít, doanh số bán hàng chỉ được 1/3 so với dịp Tết Nguyên Đán.
TP.HCM có lợi thế về mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển, với tổng chiều dài 913 km và đang có gần 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy. TP.HCM lại là đô thị có diện tích lớn thứ 2 và số dân lớn nhất nước, lượng khách du lịch đông (năm 2023 tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về tỷ lệ khách, doanh thu và đóng góp cho ngành du lịch Việt Nam). Nếu biết tận dụng lợi thế này, cách tổ chức tập trung hơn, tạo hiệu ứng mạnh hơn thì chắc chắn Lễ hội sông nước sẽ góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch, quảng bá thành phố năng động này.
Nhưng thực tế, nhiều người dân tại TP.HCM ngơ ngác không biết gì về Lễ hội sông nước lần này, có người đi về rồi thì nói “chán, chả có gì độc đáo”.
Dọc Bến nội đô Nhiêu Lộc – Thị Nghè đường Hoàng Sa, phường Đa Kao, quận 1, theo bến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè tầm hơn 6h chiều, theo quảng bá từ Ban tổ chức, Không gian “trên bến” với các gian hàng trưng bày, triển lãm các sản vật, sản phẩm du lịch của TP.HCM và các tỉnh, giới thiệu các sản phẩm du lịch đường thuỷ và du thuyền của Câu lạc bộ Du thuyền; các hoạt động tương tác cho khách tham quan như trải nghiêm làm thủ công mỹ nghệ, thắt lá dừ... Không gian “dưới thuyền” tái hiện “Chợ nổi miền Tây” với các thuyền giới thiệu các món ẩm thực, trái cây và bánh dân gian Nam bộ. Sân khấu nổi tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hoá văn nghệ (miễn phí) vào các buổi tối.
Nhưng thực tế với khoảng 20 chục gian hàng, sơ sài những sản phẩm chưa thực sự đặc sắc, chưa mang tiêu biểu của các địa phương và lẫn vào đó là một số hàng ăn uống khá giống không gian của một hội chợ ẩm thực. Khách thưa thớt, một đoạn bờ kênh được thắp sáng đèn bởi những con thuyền cũng chưa gây chú ý vì thưa thớt, đơn giản, không sinh động. Một chị khách ở quận 5 cho biết: “Bỏ ra 200 ngàn, gồm 1 món ăn chính, ăn vặt, trái cây và nước lên một con tàu ngồi ăn, tàu di chuyển trên kênh 30 phút. Trúng hôm kênh không được “thơm” thì đành phải chịu. Nhân viên trực gian hàng của công ty trên bờ kênh, bạn ấy cười buồn: “Gian hàng đã ít, ban ngày thì nắng quá, tối thì cũng không đông”.
Tại Tuần lễ trái cây “Trên bến dưới thuyền” ở Bến Bình Đông, phường 13, quận 8, được cho là tái hiện khung cảnh sông nước mang đậm nét văn hóa Miền Tây đặc trưng nhưng cũng không có sự hấp dẫn bởi các gian hàng trưng bày ngay sát mặt đường, người xe qua lại tấp nập hạn chế khách hàng thả bộ thong dong ngắm nghía hàng hóa. Hơn thế, các sản phẩm cũng chỉ loanh quanh trái cây theo mùa, một số mặt hàng khô như nước mắm, cá khô…
Có lẽ điểm được coi là tập trung nhất và tấp nập nhất là Lễ hội trái cây nằm trong khuôn viên Khu du lịch Văn hóa Suối Tiên. Nhờ diện tích rộng, cách bài trí sinh động và phong phú các loại trái cây, cộng với lượng khách ngày hè nên hoạt động của lễ hội này sôi động hơn. Tuy nhiên, nếu khách không có ý định vào vui chơi trong khu du lịch thì cũng phải mất 180 ngàn để mua vé vào cổng. Nhiều người cho là không hợp lý.
Đáng ra, khi nhu cầu du lịch đang khởi sắc và sẽ càng bùng nổ sau thời gian dài vì khủng hoảng dịch bệnh, kinh tế, những lễ hội “có một không hai” như thế này là cơ hội cho du khách trải nghiệm và hòa mình vào những hoạt động đặc trưng một cách trọn vẹn thì cách làm phần hội theo kiểu “cho có tụ” sẽ nhanh chóng bị lãng quên và khó kéo khách vào những lễ hội tương tự cho lần sau.