Làng đào Nhật Tân tất bật chuẩn bị vụ Tết

(DNTO) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa tới Tết Nguyên đán, tại làng đào Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội, các chủ vườn đang tất bật khẩn trương cho các công đoạn chăm sóc cây, tuốt lá. Quy trình này được thực hiện cẩn trọng, tỉ mỉ để đào nở hoa đúng dịp, phục vụ người dân chơi Tết.
Dạo một vòng quanh "vựa đào" Nhật Tân những ngày này, mặc cho cái rét tê tái len lỏi vào da thịt, các chủ vườn ai nấy đều phấn khởi, bởi theo khẳng định của họ, giá rét không ảnh hưởng đến chất lượng hoa đào, trái lại hoa càng đẹp, căng thắm rực rỡ hơn.
Chị Thu Cúc, một trong những chủ vườn lâu năm có nhiều đào đẹp nhất khu vực, cho biết, tùy từng giống đào mà sẽ có thời gian tuốt lá, thúc hoa khác nhau, thông thường trước thời điểm Tết khoảng 40-50 ngày là đẹp nhất.

Tác dụng của việc tuốt lá là để cây tập trung dinh dưỡng làm nụ, đảm bảo nụ hoa ra nhiều, đều, mập, hoa to, cánh dày, màu đẹp. Ảnh: Hồng Gấm
Theo chị Cúc, đây là thời điểm quan trọng nhất quyết định chất lượng đào, nên gia đình chị phải dành toàn bộ thời gian, tâm huyết, thậm chí ăn ngủ cùng đào. Ngoài ra để kịp tiến độ, chị phải thuê thêm từ 5 đến 6 nhân công thời vụ tập trung tỉa lá, lộc non để cây đào nuôi nụ.

Quy trình tuốt lá, vẽ cành, tạo dáng đòi hỏi sự cẩn trọng tỉ mỉ. Chỉ bứt từng lá, không được một tay tuốt lá thẳng từ đọt xuống, làm tổn thương đến mầm hoa. Ảnh: Hồng Gấm
“Đào là loại hoa nhạy cảm với thời tiết, vậy nên để có được những cây đào đẹp, nở đúng dịp Tết, ngoài việc vất vả chăm sóc ra, người nông dân còn phải biết nghe ngóng, linh hoạt với tình hình thời tiết để chăm sóc cây, tuốt lá, thúc ra hoa cho phù hợp”, chị Cúc chia sẻ.

Tưới nước, tỉa lá, uốn cây vào thời điểm này, là công việc quen thuộc của bà con trồng đào ở Nhật Tân. Ảnh: Hồng Gấm

Đào được chăm bón và xới gốc cẩn thận để cây phát triển toàn diện. Ảnh: Hồng Gấm
Cùng với việc tuốt lá, tạo dáng cho cây, gia đình chị Cúc còn tiến hành cuốc xới san gạt, cải tạo lại đất vườn, bón phân hữu cơ và chuyển các gốc đào sang đất mới, giúp cây sống ổn định, hoa nở đều, đẹp.

Phủ lại bằng lớp đất xốp đã qua xử lí giúp đào phát triển nhanh. Ảnh: Hồng Gấm

Đào ưa phân bắc đã ủ kỹ hoặc ngâm ngấu, nước tiểu, đạm ure. Ảnh: Hồng Gấm

Những gốc đào rừng cổ thụ sẽ được gia đình chị Cúc tiến hành lai ghép mắt đào Nhật Tân, vừa tạo sự tươi mới từ những bông hoa thắm sắc, vừa tạo sự cũ kỹ từ gốc cây già nua. Ảnh: Hồng Gấm
Chị Cúc cho biết: "Với những người yêu đào thì không nhất thiết phải đến Tết họ mới chơi. Vườn nhà tôi ngay tại thời điểm trước tết hơn 1 tháng đã có nhiều người tìm mua đào về chưng trong nhà. Thế nên để phục vụ nhu cầu chơi đào sớm của nhiều người, gia đình tôi cũng phân loại và chăm sóc riêng nhiều mẫu đào để phục vụ khách".

Nhiều mẫu đào được đôn vào chậu để sẵn sàng phục vụ khách đến lựa chọn. Ảnh: Hồng Gấm

Những cây đào khách chọn mua được "xuất" vườn sớm. Ảnh: Hồng Gấm
Nhiều loại đào, thế đào được vợ chồng chị Cúc nghiên cứu, kỳ công tạo nên, tôn thêm vẻ đẹp cho đào như đào bích cổ, đào phai, đào lai ghép, đào thất thốn, đào rừng cổ thụ... những thế bonsai, dáng long, đào mini… vô cùng thu hút và bắt mắt.
Chị Cúc cho biết giá đào năm nay không khác biệt mọi năm là mấy. Cây càng to, dáng đẹp, lâu năm, gốc sần sùi giá bán càng cao. Cây thấp cũng vài triệu đồng, còn lại phổ biến từ 8 - 30 triệu đồng/cây.
Những cây đào thế dáng bonsai giá từ 2 - 15 triệu đồng/cây tuỳ theo kích cỡ và dáng. Cành đào lớn có giá từ 500.000 - 800.000 đồng, cành nhỏ thì 100.000 - 200.000 đồng.

Đào bích cổ được dân chơi yêu thích bởi có tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng may mắn trong dịp Tết. Ảnh: Hồng Gấm
Ngoài ra, theo chị Cúc, trong mùa dịch kéo dài như hiện nay, để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình, cơ quan, doanh nghiệp đã chọn phương pháp thuê đào về chơi trong dịp tết, giá chỉ bằng 70% giá mua.