Làm đẹp phần ‘nước sơn’ cho hàng Việt
(DNTO) - Hàng Việt mặc dù đã đặt chân đến hơn 200 nước trên thế giới nhưng quy mô ở nhiều thị trường trọng điểm vẫn nhỏ và đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ như Trung Quốc, Thái Lan…
“Tốt gỗ” phải tốt cả “nước sơn”
Năm 2022, xuất khẩu Việt Nam đạt khoảng 371,2 tỉ USD, tăng 10,5% so với năm 2021, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 700 tỉ USD. 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 32,37 tỷ USD. Hàng hóa Việt Nam đã đặt chân tới hơn 200 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, hàng Việt đang phải cạnh tranh rất gay gắt với các nước đối thủ.
Đơn cử tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm và hơn 109 tỷ USD năm ngoái, hàng Việt cũng mới chỉ chiếm 3% tổng kim ngạch nhập khẩu vào nước này. Khoảng cách địa lý xa xôi, chi phí logistics cao trong khi năng lực của doanh nghiệp còn hạn chế, hàng hóa còn vướng nhiều rào cản chất lượng kĩ thuật, giá cả, khiến hàng Việt tại thị trường bạn còn nhiều thách thức.
Bà Nguyễn Nhã Quyên, Giám đốc Vận hành Quỹ Startup Vietnam Foundation, một quỹ đầu tư có nhiều năm hỗ trợ doanh nghiệp xã hội, cho biết sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra quốc tế vẫn còn vướng tư duy ‘tốt gỗ hơn tốt nước sơn’.
Ở góc độ nào đó, theo bà Quyên, chính tư duy này tạo ra rào cản cho hàng Việt tại thị trường quốc tế. Bởi thực tế, hầu hết các thị trường lớn của Việt Nam không còn ăn no, mà phải ăn ngon, ăn bổ, ăn gì thay thế được thuốc. Điều này đòi hỏi sản phẩm đưa vào cơ thể không còn ở dạng thô nữa, mà phải áp dụng rất nhiều công nghệ.
“Cà phê không chỉ là cà phê, mà còn phải đi liền với sâm, bánh phở phải không mập… điều này đòi hỏi công nghệ rất nhiều. Sự đầu tư công nghệ của công ty vừa và nhỏ và startup rất khó vì đòi hỏi đầu tư vốn rất lớn. Tôi nghĩ nó cần có sự kết hợp mạnh mẽ của tập đoàn và cơ sở hạ tầng của viện trường, làm sao mở hạ tầng và nguồn tri thức đó cho startup vào sử dụng để phần “gỗ” tốt hơn”, bà Quyên khuyến nghị.
Về phần “nước sơn”, bà Quyên cho biết, để làm tốt phần này đòi hỏi doanh nghiệp, startup vừa tinh thông về sản phẩm, vừa phải hiểu về văn hóa, xã hội, thiết kế bao bì. Nhưng vì startup hay các doanh nghiệp nhỏ luôn luôn thiếu cả nhân sự nên rất cần sự hợp tác. Do đó, cần hành lang cả pháp lý và chứng thực đối tác để doanh nghiệp yên tâm hợp tác.
“Nếu sang các nước như Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… vì sao họ bán hộp trà giá 100 USD so với hộp trà 100 ngàn đồng của Việt Nam. Tôi vừa được đối tác Ấn Độ tặng một hộp trà, trà của họ chưa chắc ngon bằng trà Việt Nam, nhưng được đựng trong hộp gỗ, trên đó khắc hoa văn kể câu chuyện truyền thống của họ, tự dưng hộp trà đó gấp 100 lần giá trị hộp trà của mình”, bà Quyên nói.
Kể chuyện về sản phẩm
Tại thị trường EU, ông Jesper Clausen, Chủ tịch Tiểu ban thực phẩm, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (FAABS) của EuroCham, cho biết Việt Nam là quốc gia châu Á đầu tiên có hiệp định với EU là EVFTA. Đây là khởi đầu tốt để doanh nghiệp Việt vào châu Âu, nhưng điều quan trọng doanh nghiệp phải hiểu những vấn đề được nêu lên trong hiệp định.
Một trong những vấn đề thể hiện EVFTA là miễn giảm thuế. Tuy nhiên, những yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc không dễ dàng, vì vậy, doanh nghiệp phải cố gắng để đạt được ngay từ đầu.
Theo ông Jesper Clausen, rất nhiều sản phẩm Việt Nam có danh tiếng tốt trên thị trường châu Âu như sản phẩm nông nghiệp, gia vị, cà phê… các doanh nghiệp cần chú ý chất lượng và vấn đề phát triển xanh và bền vững sản phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát khiến người tiêu dùng châu Âu cân nhắc đến giá cả nhiều hơn.
“Các sản phẩm OCOP là chương trình tốt. Tôi có kinh nghiệm công tác tại Thái Lan và họ đã phát triển thành công chương trình này. Tuy nhiên, tại châu Âu, làm thế nào để người tiêu dùng nơi đây hiểu được sản phẩm địa phương là gì, thông điệp ra sao. Vì vậy để sản phẩm Việt vào thị trường châu Âu cần đưa thêm nhiều giá trị gia tăng vào sản phẩm OCOP. Ví dụ sản xuất ngày càng nhiều cà phê, nhưng vấn đề làm thế nào để đưa nhiều giá trị gia tăng nhiều vào mặt hàng cà phê và tiếp cận thị trường”, ông Jesper Clausen nói.