Kịch bản nào cho thị trường bất động sản năm 2021?
(DNTO) - Theo PGS.TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều vận hội nhưng cũng nhiều thách thức. Chỉ có thể đảm bảo thị trường phát triển bền vững nếu ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường lành mạnh và minh bạch…
Năm 2020 thị trường bất động sản du lịch suy giảm
Đánh giá sơ bộ thị trường bất động sản năm 2020, ông Chung cho rằng, phân mảng đất khu công nghiệp là điểm sáng hiếm trong bối cảnh thị trường bất động sản bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm đất thuê ở các địa bàn mới nổi (Bắc Giang, Hải Phòng) cũng rất sôi động. Hạ tầng, kho bãi, diện tích kho bãi được mở rộng cùng với việc tăng cường hoạt động giao dịch trực tuyến. Hàng trăm nghìn m2 kho bãi mới được đưa vào vận hành, đây là mảng bất động sản hoạt động tốt thứ hai sau đất khu công nghiệp.
Đất các cơ sở hạ tầng lớn: Sân bay Long Thành, các đoạn cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn. Cùng với việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, đất các hệ thống cơ sở hạ tầng và các vùng ven đang được giao dịch mạnh. Đất chuyển đổi, đất tái định cư và đất các vùng lân cận được đẩy mạnh giao dịch.
Trong khi đó, phân mảng thị trường bất động sản du lịch, dịch vụ giảm mạnh. Biệt thự nghỉ dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn.
Cũng theo ông Chung, năm 2020, các sản phẩm phái sinh, đặc biệt là condotel – offiecetel suy giảm mạnh. Năm 2020 do không có chuyển biến về tình trạng pháp lý đối với condotel – offiecetel nên phân mảng này gặp nhiều khó khăn, đang điều chỉnh tìm lối ra cả về pháp lý và định hướng kinh doanh.
Thị trường bất động sản năm 2021 vẫn tiềm tàng rủi ro
Phó Viện trưởng CIEM đưa ra 3 kịch bản dự báo về thị trường bất động sản 2021. Theo đó, với kịch bản tích cực là Covid-19 được kiểm soát trên diện rộng, phổ biến vaccine trên diện rộng và các giao thương kinh tế được phục hồi rộng rãi, khi đó nền kinh tế sẽ quay trở lại như trước Covid-19. Thị trường bất động sản tiếp tục phát triển.
Thị trường bất động sản công nghiệp sẽ có bước phát triển mạnh, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ phục hồi, thị trường nhà ở sẽ tăng giá… “Tổng thể, thị trường bất động sản phát triển tích cực. Đây là kịch bản được mong đợi nhất, nhưng khó xảy ra”, ông Chung nói.
Kịch bản thứ hai: Việt Nam kiểm soát được Covid-19 nhưng vẫn chưa có vaccine trên diện rộng, vẫn phải đóng cửa với phần lớn giao lưu quốc tế, chỉ mở có kiểm soát với một số thị trường đối tác. Nền kinh tế sẽ cầm cự và đi ngang. Thậm chí có biểu hiện đi xuống.
Thị trường bất động sản sẽ đi ngang về tổng thể, có xu hướng giảm. Các thị trường bộ phận chỉ có thị trường bất động sản công nghiệp có xu hướng đi lên nhưng không lành mạnh. Về tổng thể, thị trường bất động sản đi ngang, có dấu hiệu đi xuống. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất.
Kịch bản thứ ba: Chưa khống chế được Covid-19 biến chủng mới. Việt Nam về cơ bản vẫn mở lại với một vài nền kinh tế. Kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức tối thiểu; khả năng tăng đầu tư nước ngoài không như mong muốn. Với kịch bản này, chỉ có thị trường bất động sản công nghiệp có tăng theo xu hướng. Các thị trường khác đi xuống, đặc biệt thị trường bất động sản du lịch, dịch vụ và nghỉ dưỡng.
Nhìn tổng thể, với kịch bản này, thị trường trầm lắng và suy giảm. Đây là kịch bản ít người mong muốn nhất và cũng ít khả năng xảy ra nhất, nhưng vẫn có thể xảy ra.
Xét một cách tổng thể, kịch bản khả thi nhất cho năm 2021 là thị trường dần phục hồi và sẽ đi lên từ quý 2/20201.
Theo ông Chung, các kịch bản của thị trường bất động sản năm 2021 vẫn tiềm tàng các rủi ro. Rủi ro lớn nhất là quan hệ kinh tế quốc tế. Thứ nữa là rủi ro kinh tế vĩ mô; rủi ro chính sách được tính đến như phản ứng của quản lý nhà nước đối với dịch bệnh và tác động của nó đến tình hình kinh tế và rủi ro đến từ thị trường khác biệt đối với các phân mảng thị trường khác nhau.
Để thị trường bất động sản năm 2021 và tầm nhìn 2025 phát triển bền vững, theo ông Chung cần kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Rà soát, gỡ bỏ các rào cản thu hút đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản.
“Cần tăng cường phê duyệt dự án bất động sản. Khuyến khích doanh nghiêp bất động sản đầu tư vào các sản phẩm giá thấp. Đây là một yêu cầu cấp thiết trong năm 2021 như là để bù đắp sự thiếu hụt dự án được phê duyệt mới của năm 2019-2020, để thị trường bất động sản phát triển bền vững”, ông Chung nói.
Bên cạnh đó, ông Chung cho rằng cần tích cực triển khai các công cụ tài chính phái sinh đi liền với việc kiểm tra, thanh tra, giám sát, chế tài mạnh với các rủi ro tài chính bất động sản…