Khuyến mại tập trung tại TP.HCM: Giảm giá 100% và có sự tham gia của chợ truyền thống
(DNTO) - Chương trình khuyến mại tập trung – mùa mua sắm 2022 năm nay, các doanh nghiệp sẽ được phép khuyến mãi 100%. Có 245 chợ truyền thống cũng tham gia chương trình.
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM tại buổi họp báo định kỳ để thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và các hoạt động nổi bật của ngành công thương trong quý II/2022, dự chương trình khuyến mại tập trung – mùa mua sắm "Shopping Season" – tại TP.HCM năm 2022 sẽ diễn ra vào 2 đợt từ 15/6 – 15/7/2022 và từ 15/11 – 15/12/2022.
Tháng khuyến mại có sự tham gia của các chợ truyền thống, doanh nghiệp, trung tâm thương mại lớn... Duy nhất trong chương này, các doanh nghiệp tham gia được khuyến mãi 100%.
Theo quy định hiện nay, khuyến mãi chỉ cho hạn mức giảm giá tối đa là 50%. Chỉ có chương trình khuyến mại tập trung do cơ quan nhà nước cấp tỉnh tổ chức mới được áp dụng hạn mức khuyến mại tối đa lên đến 100%.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết quy mô năm nay lớn gấp mọi năm. Hiện, Sở phối hợp với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức gửi 6.300 email đến thương nhân, doanh nghiệp để mời tham gia chương trình. Năm nay chương trình còn có sự tham gia của các chợ truyền thống. Theo đó, chương trình khuyến mãi sẽ được thông báo về ban quản lý các chợ và ban quản lý sẽ thông tin cho tiểu thương, các thương nhân. Mức khuyến mại tùy các tiểu thương quyết định.
Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM tại buổi họp báo cũng nêu doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 57.757 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 5 năm 2021. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 60%) trong khu vực dịch vụ; đồng thời là tháng có quy mô doanh thu bán lẻ lớn nhất kể từ tháng 1 năm 2019.
Theo đó, lũy kế 5 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 275.967 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2021 tăng 9,5%). Doanh thu các nhóm hàng tăng khá như: Lương thực, thực phẩm (ước đạt 49.575 tỷ đồng, tăng 14,2%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (ước đạt 4.590 tỷ đồng, tăng 14,9%); Gỗ và vật liệu xây dựng (ước đạt 6.781 tỷ đồng, tăng 8,5%); Ô tô các loại (ước đạt 11.767 tỷ đồng, tăng 14,3%)…