Giá trứng bình ổn tại TP.HCM sắp tăng
(DNTO) - “Hiện nay trứng gia cầm tại TP.HCM không thiếu, tuy nhiên lo ngại nhất là giá cả. Nếu chi phí đầu vào vẫn ở mức cao như hiện nay thì chỉ doanh nghiệp quản lý chi phí sản xuất tốt mới có thể mạnh dạn tái đàn, khả năng nguồn cung trứng lâu dài sẽ sụt giảm, khi đó giá trứng buộc phải tăng lên”.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo định kỳ của Sở này chiều nay, 9/6: Hiện trứng gia cầm tại TP.HCM không thiếu, tuy nhiên vấn đề lo ngại nhất là giá cả.
Cụ thể, ông phân tích, sau đại dịch, các chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trên toàn cầu, đặc biệt nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất bị đứt gãy, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao. Những căng thẳng giữa Nga và Ukraine càng làm tình trạng này thêm nghiêm trọng. Việt Nam theo đó cũng bị ảnh hưởng.
Riêng với mặt hàng trứng gia cầm, giá thức ăn chăn nuôi lẫn chi phí vận chuyển đều tăng cao, trong khi giá trứng trong chương trình bình ổn của TP.HCM vẫn được giữ. Do lượng hàng bình ổn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nên giá trứng ngoài chương trình bình ổn khó tăng quá cao.
Theo ông Phương, doanh nghiệp sản xuất, chăn nuôi sẽ nhắm vào giá của chương trình bình ổn và dự báo thị trường để tính toán phương án chăn nuôi. Do đó, nếu chi phí đầu vào và giá bán ra vẫn diễn biến như hiện nay thì chỉ doanh nghiệp quản lý chi phí sản xuất tốt mới có thể mạnh dạn tái đàn, khả năng nguồn cung trứng về lâu dài sẽ sụt giảm, khi đó giá trứng buộc tăng lên theo quy luật.
Ông Phương cho biết, hiện nay doanh nghiệp trong chương trình bình ổn cũng gặp rất nhiều khó khăn, họ cũng đã có kiến nghị tăng giá. Sở Công thương sẽ cùng Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tham mưu thành phố điều chỉnh giá trứng trong chương trình bình ổn để vừa phù hợp với sức chịu đựng của người dân, nhưng cũng có thể hỗ trợ các nhà sản xuất yên tâm tái đàn.
Chi tiết cụ thể về mức điều chỉnh hiện nay chưa có thông tin cụ thể.
Trước đó, ngày 7/6, một số doanh nghiệp kinh doanh trứng gia cầm tại TP.HCM đã có văn bản, đề nghị các cơ quan chức năng cho điều chỉnh tăng giá đối với mặt hàng trứng gia cầm tham gia chương trình bình ổn thị trường. Mức tăng đề nghị là 2.000 đồng/vỉ trứng gà và 2.000 đồng/vỉ trứng vịt. Giá trứng trong chương trình bình ổn hiện nay: trứng gà là 29.500 đồng/vỉ, trứng vịt 35.000 đồng/vỉ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 lớn nhất kể từ tháng 1/2019
Báo cáo của Sở Công thương TP.HCM tại buổi họp báo cũng nêu doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 57.757 tỷ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với tháng 5 năm 2021. Xét về số tuyệt đối, đây là mức doanh thu chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 60%) trong khu vực dịch vụ; đồng thời là tháng có quy mô doanh thu bán lẻ lớn nhất kể từ tháng 1 năm 2019.
Theo đó, lũy kế 5 tháng năm 2022, doanh thu bán lẻ ước đạt 275.967 tỷ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ (5 tháng đầu năm 2021 tăng 9,5%). Doanh thu các nhóm hàng tăng khá như: Lương thực, thực phẩm (ước đạt 49.575 tỷ đồng, tăng 14,2%); Vật phẩm văn hóa, giáo dục (ước đạt 4.590 tỷ đồng, tăng 14,9%); Gỗ và vật liệu xây dựng (ước đạt 6.781 tỷ đồng, tăng 8,5%); Ô tô các loại (ước đạt 11.767 tỷ đồng, tăng 14,3%),…
Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu (mức tăng chưa bằng cùng kỳ), tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương cho biết, các con số cho thấy hoạt động thương mại – dịch vụ của TP.HCM đang dần hồi phục. Tuy nhiên, sức mua của người dân và doanh nghiệp vẫn chưa mạnh như trước dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp TP.HCM đang phải tiết giảm tất cả chi phí để giảm giá thành và giữ giá. TP.HCM tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để ổn định sản xuất.
Về hoạt động xuất nhập khẩu, báo cáo của Sở cũng nêu, kim ngạch xuất khẩu tại các cửa khẩu trên cả nước: tháng 5 ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với tháng trước; lũy kế 5 tháng ước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 7,9% (cùng kỳ tăng 15,1%). Kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu TP.HCM tháng 5 ước đạt 3,46 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước. Lũy kế 5 tháng ước đạt 17,70 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Nếu trừ dầu thô, kim ngạch 5 tháng ước đạt 16,83 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ.
Kim ngạch nhập khẩu qua các cửa khẩu cả nước trong tháng 5 năm 2022 ước đạt 6,01 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước; 5 tháng ước đạt 28,45 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhìn chung 5 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi căng thẳng, xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine,… nhưng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua các cửa khẩu cả nước vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.