Không để xảy ra 'tệ nạn' lập quy hoạch

(DNTO) - Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), điều chỉnh quy hoạch là việc lớn cần xem xét kỹ lưỡng, tránh để xảy ra “tệ nạn” lập quy hoạch, hoặc điều chỉnh quy hoạch bị chi phối bởi các “nhóm lợi ích xấu” hoặc “các doanh nghiệp thân hữu, sân sau”.
Không chạy theo lợi ích nhà đầu tư
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, vừa có văn bản tham luận góp ý về quy hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết 19/NQ-TƯ định hướng xây dựng Luật Đất đai 2013.
Theo ông Châu, quy hoạch sử dụng đất là vấn đề lớn cần được xem xét kỹ lưỡng bởi có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều hạn chế trong nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của vấn đề này.
Thực tế thời gian qua, một số trường hợp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất được tiến hành cục bộ, một chiều theo yêu cầu và “gần như chỉ đơn thuần phục vụ lợi ích của nhà đầu tư". Điều này đã dẫn đến không ít trường hợp xa rời lợi ích của người dân, gây bức xúc trong xã hội, gây khiếu kiện kéo dài. Thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, tham nhũng, làm thất thoát tài sản công và thất thu ngân sách Nhà nước.

Quy hoạch sử dụng đất phải tạo nên nguồn lực phát triển đất nước. Ảnh: T.L.
Nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên được người đứng đầu HoREA chỉ ra là khi thẩm định, xét duyệt quy hoạch phải tiến hành qua nhiều khâu, nhiều bước rất chặt chẽ, nhưng khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ thì quy trình lại giản đơn, do một số ít người quyết định.
Dẫn chứng về điều này, ông Châu lấy ví dụ kinh nghiệm từ đất nước Singapore với tầm nhìn quy hoạch cũng như lộ trình thực hiện quy hoạch khả thi, đã giúp nước này giải quyết hiệu quả vấn đề nhà ở cho đại đa số người dân, đồng thời cũng là tiền đề quan trọng giúp quốc gia này thu hút được nguồn vốn lớn từ đầu tư nước ngoài.
Do vậy, HoREA đề nghị cần có quy định chặt chẽ trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch, trong đó có quy hoạch sử dụng đất, đảm bảo chất lượng quy hoạch, thể hiện tầm nhìn của Nhà nước và có tính khả thi, có như vậy mới tạo nguồn lực từ đất đai để phát triển đất nước, không để xảy ra việc quy hoạch bị chi phối bởi các lợi ích nhóm.
Đừng “sợ” mời nhà đầu tư tư nhân tham gia quy hoạch
Liên quan đến vấn đề quy hoạch tại các địa phương, ông Lê Hoàng Châu cho biết, cần hạn chế tư duy cực đoan, thiếu nhất quán bởi đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi thì mời gọi tư nhân làm quy hoạch, khi thì không cho.
Việc “sợ” mời nhà đầu tư tư nhân tham gia đề xuất quy hoạch đang gây ra nhiều lãng phí, mà đáng lẽ ra các cơ quan chức năng "nên huy động trí tuệ, tầm nhìn, năng lực của các nhà đầu tư thuộc khu vực tư nhân với tư cách nhà tư vấn, phản biện trong quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch".
Trong khi đó, tại các nước công nghiệp phát triển, các hiệp hội doanh nghiệp được Nhà nước coi trọng và có nhiều nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu được mời tham gia Chính phủ, hoặc hội đồng tư vấn kinh tế của Chính phủ.
Ông Châu nhận định, vấn đề quan trọng nhất đó là cơ quan có thẩm quyền, trước hết là cán bộ lãnh đạo phải “có tầm, có tâm, có bản lĩnh, có năng lực” để thẩm định, quyết định quy hoạch, đồng thời có cơ chế kiểm soát “nguy cơ” nhà đầu tư tư nhân “lèo lái” quy hoạch vì lợi ích riêng.
Liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân, đại diện HoREA cho biết, Nhà nước chỉ cần định hướng phát triển thông qua sử dụng các công cụ điều tiết, trong đó có công cụ quy hoạch và các công cụ “đòn bẩy” then chốt như tài chính - thuế, tiền tệ - tín dụng để định hướng đầu tư cho các nhà đầu tư.
Nhà nước không nên và không thể áp đặt kế hoạch đối với khu vực kinh tế tư nhân.