Khối ngoại miệt mài mua - bán HPG, dòng tiền tìm cơ hội bắt đáy?
(DNTO) - Khối ngoại rót mạnh tiền gom hàng trên thị trường, tìm cơ hội bắt đáy. Cổ phiếu HPG hút mạnh vốn ngoại nhất và trở thành mã chứng khoán có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn HoSE.
Cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục ghi nhận một phiên có số lượng giao dịch lớn nhất trên sàn HoSE với hơn 60 triệu cổ phiếu, theo sau là STB và VND, với lần lượt hơn 36 và 24 triệu cổ phiếu.
Đặc biệt, khối ngoại chiếm một vị thế lớn với mã này trong phiên giao dịch hôm nay, 14/11. Ở chiều mua, dòng vốn ngoại đã gom hơn 25 triệu mã HPG, tương đương với giá trị hơn 315 tỷ đồng, chiếm hơn 40% khối lượng cũng như giá trị giao dịch HPG trong phiên. Ở chiều bán, khối này xả khoảng 12 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 146 tỷ đồng, chiếm 20% giá trị giao dịch trong phiên.
Như vậy, nhà đầu tư ngoại đã mua ròng hơn 13 triệu cổ phiếu HPG, tương đương giá trị mua ròng hơn 168 tỷ đồng. Tính chung, khối ngoại chiếm hơn 60% giá trị thanh khoản của HPG trong phiên. Và nhờ lực đỡ này của khối ngoại, mặc dù thị trường chung giảm điểm, VN-Index mất 13 điểm, cổ phiếu ngành thép này chỉ giảm nhẹ 0,8%, còn 12.200 đồng/cp.
Cổ phiếu "quốc dân" của tỷ phú Trần Đình Long đang trong một giai đoạn sóng gió, tính chung một tuần qua, mã này đã mất gần 11% giá trị, tính riêng trong quý 3 đã mất gần 50% và tính từ đầu năm đến nay đã mất tới 70% giá trị. Nhiều nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp rơi vào cảnh phải thua lỗ với HPG.
Một tuần qua, khối ngoại đã quay xe đổ tiền gom hàng với thị trường trong nước. Phiên hôm nay, khối này tiếp tục đổ hơn 2.600 tỷ đồng gom hàng, chiếm 30% giá trị thanh khoản trên HoSE, giá trị mua ròng cũng đạt hơn 1.600 tỷ đồng. Xu thế chung đó là tiền đề để HPG có lượng giao dịch lớn trong phiên. Và ở một mặt nào đó, dòng vốn ngoại đã tìm thấy điểm tích cực từ cổ phiếu đang được chiết khấu sâu này cũng như toàn thị trường trong nước.
Như vậy, dòng tiền trong nước mới đang là vấn đề chính của chứng khoán trong nước. VN-Index mất điểm sâu, lực bán mạnh, cộng thêm đó là gần 240 mã giảm sàn trong phiên, càng thấy tâm lý sợ hãi của nhà đầu tư là điều có thể hiểu được.
Quay lại với HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, báo cáo của SSI vừa công bố cho biết, họ đã điều chỉnh lại kế hoạch lợi nhuận của HPG mà trước đó đã dự đóan. Theo đó, cho cả năm 2022, SSI điều chỉnh giảm 16% ước tính lợi nhuận sau thuế, xuống còn hơn 10,2 nghìn tỷ đồng, tương ứng với việc HPG sẽ phải lỗ ròng 270 tỷ đồng trong quý 4 tới.
Dài hơn, trong năm 2023, SSI điều chỉnh giảm 14% ước tính lợi nhuận ròng xuống 10,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6,6% so với cùng kỳ nhờ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá và giá than cốc giảm.
Theo các chuyên gia, hiện chưa có nhiều các yếu tố hỗ trợ giá cho HPG trong ngắn hạn, nhất là thời điểm hiện nay khi thị trường bất động sản chững lại, triển vọng kinh tế toàn cầu kém khả quan. Mặc dù vậy, khó khăn có thể lại là cơ hội cho Hòa Phát.
"Chúng tôi cho rằng việc môi trường kinh doanh diễn biến không thuận lợi như vậy có thể là cơ hội để những công ty hàng đầu như HPG củng cố vị thế trên thị trường trong dài hạn", SSI khuyến nghị.