Chứng khoán lao dốc xuống dưới 950 điểm, nỗi lo 'giá sàn' hiện hữu
(DNTO) - Chứng khoán đóng cửa chỉ còn 947 điểm, mất gần 40 điểm so với phiên trước đó. Dòng tiền eo hẹp, áp lực bán gia tăng... toàn thị trường ghi nhận hơn 300 mã giảm kịch sàn.
Vừa tăng nhẹ trong hai phiên liền trước chứng khoán bất ngờ lao dốc sụt giảm mạnh. Áp lực bán gia tăng trên diện rộng, trong khi đó lực cầu yếu, dòng tiền èo uột không đủ sức nâng đỡ. Kết phiên, chỉ số VN-Index đánh mất tới 38 điểm, kéo thị trường đi xuống dưới vùng điểm 950, về 947 điểm, trong khi đó HNX-Index cũng giảm 9 điểm xuống 192 điểm, UPCoM-Index giảm 3 điểm còn 68 điểm.
Đáng chú ý, sắc xanh dương có xu hướng lan rộng khi có tới hơn 300 mã giảm kịch sàn trên cả ba sàn, một con số ấn tượng với thị trường. Riêng HoSE chiếm hơn 170 mã chịu giá sàn; nhóm VN30 cũng có tới hơn 10 mã, với mức giảm giảm trên 6,9% như NVL, MBB, MSN, SSI, MWG, PDR... Không có mã nào trong VN30 tăng giá, cả nhóm mất trung bình hơn 4%.
Nhóm chứng khoán bị tác động tiêu cực nhất khi có mức giảm trung bình lên đến trên 6,8%. Toàn nhóm cũng có tới 16 mã nhuộm sắc xanh dương như VND, FTS, SHS, VCI...
Nhóm bất động sản vốn đã giao dịch không mấy tốt nhiều phiên qua lại tiếp tục có đà giảm. Khá nhiều mã đã chịu cảnh nhiều phiên giảm sàn, giá trị bị sụt giảm sâu, cơ hội để gượng dậy đang là thách thức như DIG, DXG, NVL...
Khối ngoại đã có một phiên làm phiên làm việc miệt mài khi đã mua tới 15,4% giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE, tuy nhiên ở chiều ngược lại, khối này cũng bán tương ứng 15,3% giá trị cổ phiếu của HoSE và kết phiên khối này chỉ mua ròng nhẹ hơn 16 triệu đồng.
Việc thị trường đi xuống dưới mức 950 điểm là điều ít người có thể ngờ tới, nằm ngoài kịch bản dự đoán của nhiều công ty chứng khoán với phiên giao dịch hôm nay.
Giải mã về khó khăn của thị trường hiện nay, ông Vũ Đức Nam, sáng lập ART Investor cho biết, “thị trường hội tụ nhiều yếu tố tiêu cực từ ngắn hạn mang tính chất tâm lý và từ dài hạn với sự thay đổi của cấu trúc dòng tiền từ đầu năm đến giờ".
Khó khăn trước nhất đến từ việc sự lưu thông thanh khoản của thị trường bị hạn chế. Thông thường, kênh vốn của các doanh nghiệp đến từ các nguồn như vay từ các tổ chức tín dụng, phát hành trái phiếu hoặc huy động vốn trên thị trường cổ phiếu. Trong khi đó, thị trường trái phiếu đang gặp khó, chưa kể tháng 9, 10 vừa qua lại phải chịu áp lực mua lại trái phiếu chưa đáo dẫn đến các doanh nghiệp phải xoay sở nguồn tiền trả khách hàng.
Ngoài ra, áp lực của thị trường còn đến từ các vấn đề bên ngoài như nhiều quỹ đầu tư bị áp lực rút ròng nên hạn chế đầu tư ở thị trường Việt Nam.
Cuối cùng là câu chuyện về niềm tin. "Không phải không có nguồn tiền mà tâm lý thị trường tại thời điểm này chưa rõ ràng. Nhà đầu tư chưa có niềm tin thị trường tạo đáy", ông Nam cho biết.
Cũng theo ông, vùng định giá chung của thị trường đang nằm ở vùng xác xuất 5% trong suốt chiều dài lịch sử, tức là hiếm khi lặp lại. Và đây là vùng có mức đầu tư hấp dẫn.
Ở góc độ phân tích kỹ thuật, VCBS cho biết, tại khung đồ thị ngày, hai chỉ báo là MACD, thể hiện sức mạnh xu hướng giá và RSI, đo lường mức độ giao động giá, đều hướng đi xuống đã phá đi cơ hội tạo phân kỳ dương 3 đoạn. Theo các chuyên gia, điều này "cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang rất tiêu cực và VN Index chưa thể hình thành đáy trung hạn".
Theo thang đo Fibonacci mở rộng, VCBS nhận thấy, ngưỡng 1.0 tương ứng với vùng điểm 900 sẽ là mốc tiếp theo mà VN-Index có thể hướng đến.
Trong bối cảnh hiện nay, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên đứng ngoài quan sát, kiên nhẫn quan sát thị trường, "đợi chờ chuỗi phiên tích lũy trở lại của VN-Index để xác nhận tín hiệu phục hồi rõ ràng hơn".