Khi niềm tin cũng cần nuôi dưỡng
(DNTO) - Niềm tin không đủ mạnh sẽ là mảnh đất cho tin đồn thất thiệt, mầm mống cho những lo lắng và hoảng sợ trên thị trường chứng khoán.
Tuần qua, thị trường chứng khoán bất ngờ rộ lên thông tin về việc hai sàn chứng khoán HoSE và HNX của Việt Nam không còn nằm trong trong danh sách thành viên Liên minh Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE), thay vào đó sẽ là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).
Ngay lập tức, thông tin được đồn thổi xôn xao: "Khối ngoại sẽ rút mấy tỷ đô la", "Sàn HoSE sập thì sao", "Tiền của nhà đầu tư sẽ ra sao"... Thị trường mất gần 40 điểm trong phiên, nhà đầu tư trong nước lập lệnh bán lớn.
Chỉ đến khi có thông báo từ cơ quan chức năng, rằng VNX đại diện cho HoSE và HXN tham gia WFE và hai sàn được hưởng những lợi ích như tư cách thành viên chính thức, khi đó nhà đầu tư mới bình tĩnh trở lại, thị trường lại tăng nhẹ hơn 7 điểm.
HoSE và HNX là hai sở giao dịch chính thức và lớn nhất trong nước. Nếu có sự thay đổi về vận hành hay cơ cấu, chắc chắn sẽ nằm trong chủ ý sắp xếp của cơ quan chức năng trong quá trình điều hành.
Kể từ tuần trước, nhiều doanh nghiệp khốn đốn trong tin đồn. Có mã chứng khoán từng có thị giá gần 100 ngàn mỗi đơn vị, giờ rớt xuống còn trên 10 ngàn. Cùng đó, nhiều công văn của doanh nghiệp phải gửi đến sở giao dịch giải trình về việc quá 5 phiên giảm sàn liên tục.
Thậm chí một vài lãnh đạo doanh nghiệp nào đó bị bán giải chấp, chuyện xảy ra khi thị trường lao dốc, giá cổ phiếu giảm sâu, việc này nhằm đảm bảo khoản vay của họ phục vụ cho vận hành của doanh nghiệp, vậy mà điều này lại tác động tới cả nhóm cổ phiếu chiếm vốn hóa lớn, khiến nhóm này giảm giá nhiều phiên, tăng sức ép lớn cho thị trường.
Niềm tin nhà đầu tư có vẻ đang yếu dần đi. Những vấn đề trên đang khiến nhiều người hình dung về hiệu ứng Domino. Một câu hỏi được đặt ra: Liệu có hay không sự đổ gãy niềm tin với một vài vụ việc nào đó và đã kéo theo sự kích hoạt một loạt các phản ứng tiêu cực trước các vấn đề xuất hiện trên thị trường?
Thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 80% đến từ các giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước. Khác với các tổ chức lớn đầu tư dài hạn, có chiến lược kinh doanh cụ thể, các cá nhân trong nước thường thiếu sự ổn định về tâm lý đầu tư hơn. Các thông tin tiêu cực dễ bị hấp thụ bởi khối này. Và khi niềm tin của họ lung lay cũng là lúc thị trường bị tác động mạnh nhất.
Trong khi cá nhân trong nước đổ mạnh bán ròng thì khối ngoại lại mạnh tay tung tiền gom hàng. Tuần qua, khi vốn ngoại mua ròng hơn 4.000 tỷ đồng thì cá nhân trong nước lại bán ròng hơn 5.500 tỷ đồng. Khi cá nhân trong nước tập trung bán rút tiền về thủ thế, thị trường đi xuống, cũng là lúc khối ngoại mạnh tay nhảy vào tận dụng cơ hội.
VN-Index giảm sâu, nhiều tài khoản chứng khoán đã mất trên 30% tính từ đầu năm. Tâm lý sợ thua lỗ càng khiến dòng tiền trên thị trường co hẹp lại, thêm vào đó là tình trạng cắt lỗ khi không gồng nổi, call margin..., nhiều nguyên nhân kéo theo tác động tiêu cực thị trường.
"Tâm lý đang là điểm yếu của thị trường", ông Đỗ Bảo Ngọc, nhà sáng lập Fstock cho biết khi nói về chứng khoán tuần qua.
Thông thường, chứng khoán trong nước và chứng khoán Mỹ sẽ có điểm tương đồng, chứng khoán Mỹ tích cực thì thị trường trong nước sẽ tích cực theo. "Tuy nhiên, vấn đề này lại đang đi ngược lại tuần qua, chứng khoán Mỹ tăng nhưng chứng khoán trong nước lại đi xuống. Nếu nói về các vấn đề như lãi suất và lạm phát thì thế giới cũng có chứ không chỉ riêng trong nước. Tuy nhiên, nhà đầu tư chưa quan tâm đến các yếu tố tích cực bên ngoài mà chỉ chú trọng đến các thông tin tiêu cực trong nước", ông Ngọc cho biết.
"Việt Nam đã xử lý nhiều hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến thị trường cổ phiếu và trái phiếu nhưng liệu đã truyền thông minh bạch chưa?", ông Ngọc đặt vấn đề.
"Việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên thị trường chứng khoán, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường", Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu ra trong một văn bản được công bố vào cuối tuần.
Và cũng đơn vị này nhận định "Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới".
Có thể là sớm hoặc muộn nhưng quan trọng nhất trước mỗi vấn đề là nhìn nhận ra được nguyên nhân, từ đó có những cách ứng xử phù hợp để giải quyết. Xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường là câu chuyện không dễ ngày một ngày hai, nhưng là chuyện chúng ta có thể làm được trong thời gian tới và thực sự cần có sự chung tay và góp sức từ nhiều phía.
Hiện tại, nhà đầu tư cần vững tin để vượt qua thách thức giai đoạn này. “Bản chất của thị trường luôn là biến động mạnh và rất khó dự báo ngắn hạn, nhưng những ai vượt qua được giai đoạn khủng hoảng hiện nay và bám trụ lại sẽ gặt hái được thành quả lớn khi thị trường và nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng", SGI Capital nhận định.