Khó khăn của thị trường bất động sản đã giảm 42.3%, chờ cuộc đại phẫu để tan băng trên diện rộng
(DNTO) - Hầu hết các báo cáo đều hiện chỉ ra thị trường bất động sản đang dần bớt nguội lạnh, tuy nhiên khó khăn vẫn chưa buông tha doanh nghiệp. Để vượt qua sóng gió, thị trường đang rất cần những cuộc “đại phẫu” nhằm tái cơ cấu toàn diện và ổn định dòng tiền.
Khó khăn trong quý IV đã giảm 42,3% so với đầu năm 2023
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) công bố báo cáo thị trường bất động sản 10 tháng đầu năm 2023. Theo đó, nếu như nhìn tổng thể thì thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian.
Theo số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng tăng cho vay bất động sản, khiến tín dụng kinh doanh bất động sản có sự tăng trưởng rất cao, ở mức 21.86% - cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung và cùng kỳ năm trước. Theo dữ liệu của VietstockFinance, tính đến 30/09, có 8/11 ngân hàng tăng trưởng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản so với đầu năm. Tổng dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của 11 ngân hàng tại thời điểm cuối quý 3 là 436,014 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm.
Đặc biệt, khi Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững trong thời gian tới. Đánh giá về sự "trợ lực" này, ông Lê Hoàng Châu nhận xét, Luật Nhà ở mới có chất lượng tốt nhất trong 30 năm qua, với những quy định tích cực, phù hợp thực tiễn, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991, Luật Nhà ở 2005 và Luật Nhà ở 2014.
"Việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi là tín hiệu đáng mừng giải quyết được những chồng chéo, tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng để các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư trong thời gian tới. Đặc biệt là một đòn bẩy cơ chế trong việc xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) sẽ được "cởi trói", với nhiều quy định nhằm tạo cơ chế thoáng hơn, đặc biệt quy định rõ ràng hơn về các quỹ đất để phát triển NOXH", ông Châu đánh giá.
Từ thực tế hoạt động của doanh nghiệp đầu tư dự án bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phương Đông cho rằng, Luật Nhà ở vừa được Quốc hội thông qua đang mở ra nhiều hy vọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường. Trong đó, việc chưa quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, việc huy động thêm các nguồn lực để phát triển NOXH sẽ góp phần thúc đẩy thị trường phát triển cân bằng hơn.
“Năm 2024, khi các chính sách tài khóa được triển khai và khi các Luật sửa đổi có hiệu lực thì cần nhanh chóng đưa được quỹ đất của doanh nghiệp mà Nhà nước phê duyệt để thực hiện dự án ra thị trường nhanh nhất. Khi thị trường có tín hiệu ấm lên thì các doanh nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh công tác bán hàng và dịch vụ thì thị trường sẽ ổn định được”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Vẫn chưa hết khó vì chính sách gỡ vướng... một nửa
Phải thẳng thắn nhìn nhận, thị trường bất động sản hiện đang rất khó khăn nên tác động của luật chưa thể rõ ngay được. Trong báo cáo cập nhật tình hình tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản mới đây, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết đã đồng ý chủ trương cho phép dự án của các công ty Gotec Land, Gamuda Land và Quốc Lộc Phát được bán 50% sản phẩm căn hộ. 50% tức là một nửa, con số này cho thấy các chính sách gỡ vướng đang phát huy tác dụng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, thậm chí gây thất vọng cho nhiều doanh nghiệp.
Đặc biệt trong số đó, phải nhắc đến Gotec Land từng gây xôn xao trong giới đầu tư bất động sản khi gửi đơn “kêu cứu” đến Thủ tướng, sau đó được chọn vào danh sách những dự án điểm được ưu tiên gỡ vướng. Nhưng đến nay, điểm nghẽn vẫn chưa thực sự được khơi thông, điều này vừa gây khó khăn cho doanh nghiệp, vừa nảy sinh rủi ro cho khách hàng.
Không chỉ là hiện tượng cục bộ, các kết quả thăm dò cho thấy pháp lý vẫn đang chiếm trên 70% khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trong đó, 2/3 các doanh nghiệp cho biết, chính quyền địa phương nơi họ có hợp đồng kinh doanh đã bắt đầu tuyên truyền hướng dẫn tổ chức hỗ trợ chính sách, nhưng chỉ có 15% doanh nghiệp đánh giá về những chính sách hỗ trợ về đất đai, gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất đạt mức độ hiệu quả.
Từ diễn biến từ thực tế, theo giới phân tích, tốc độ gỡ vướng cần đẩy nhanh tốc độ hơn, bởi các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang ở giai đoạn đuối sức, chỉ cần các chính sách ngưng “thẩm thấu” là đà hồi phục có thể bị đứt. Minh chứng rõ ràng nhất là số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng phân nửa doanh nghiệp giải thể, hoặc “chết lâm sàng”.
Theo đó, để có tác động lâu dài Luật Nhà ở (sửa đổi), cần cuộc "đại phẫu" cộng hưởng của nhiều luật khác, đặc biệt là "ngóng" Luật Đất đai (sửa đổi), nếu được thông qua sớm, một hệ thống luật liên quan đến đất đai có hiệu lực, thị trường bất động sản, NOXH và cả nhà ở thương mại sẽ phát triển đúng hướng.
"Chúng ta có quyền kỳ vọng vào năm 2024, Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua các Luật như Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản hay Luật các tổ chức tín dụng để tạo sự đồng bộ, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản phát triển bền vững”, ông Lê Hoàng Châu đánh giá.
Để tiếp thêm “bình oxy” đến đúng lúc, giúp thị trường hồi sinh từ đáy vực, tại Nghị trường Quốc hội vừa qua, Bộ Xây dựng cho biết, mặc dù đến tháng 7/2024, Luật Nhà ở sửa đổi mới có hiệu lực, nhưng những chính sách về phát triển NOXH sẽ được xem xét áp dụng sớm hơn.
“Đối với những rào cản liên quan đến quy định pháp luật, thuộc thẩm quyền của các bộ ngành thì các bộ ngành phải tập hợp và đề xuất sửa đổi ngay. Có những vướng mắc thuộc về thẩm quyền của địa phương trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện thì Tổ công tác có văn bản yêu cầu các địa phương nghiên cứu tháo gỡ để giải quyết ngay và có thời hạn xử lý”, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay.