Khi nào dòng vốn ngoại hết ‘quay lưng’ với thị trường chứng khoán?
(DNTO) - Hơn một tháng qua, khối ngoại vẫn "miệt mài" bán ròng trên thị trường chứng khoán, đặc biệt trong phiên hôm nay, 17/9, khối lượng bán ròng trên HoSE đạt giá trị hơn 1.700 tỷ đồng, cao nhất từ đầu tháng đến nay.
Tính chung toàn thị trường, trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 1.240 tỷ đồng, trong đó riêng trên HoSE là 1.709 tỷ đồng.
Đà bán mạnh của khối này đã đẩy thanh khoản toàn thị trường tăng cao, ghi nhận giá trị hơn 32 ngàn tỷ đồng, trong đó sàn HoSE chiếm hơn 25 ngàn tỷ. Chốt phiên, VN-Index tăng 6 điểm lên 1.352, chinh phục thành công ngưỡng 1.350 điểm; HNX-Index tăng 4 điểm lên 357 điểm, UPCoM-Index tăng 1,15 điểm lên 97 điểm.
Việc đẩy mạnh đà bán của khối ngoại trong phiên được cho là chủ yếu đến từ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF ngoại và cộng thêm vào các giao dịch của khối ngoại khác. Đứng đầu danh sách bán của khối ngoại là chứng chỉ quỹ FUEVNVNF và VIC với giá trị lần lượt là 261 tỷ đồng và 260 tỷ đồng, tiếp theo là SSI với 174 tỷ đồng, NVL với 127 tỷ đồng... Ở chiều mua, VHM là mã được khối ngoại gom ròng nhiều nhất với giá trị vào ròng gần 192 tỷ đồng.
Việc các quỹ ETF không đầu tư chứng chỉ quỹ FUEVNVNF nên việc lực bán mạnh chứng chỉ này trong phiên có thể xem là hành động rút vốn của các quỹ ngoại. Như vậy, sau khi mua ròng vào đầu tháng 7, thì từ tháng 8 đến nay, động thái bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí gia tăng về mặt giá trị trong những phiên gần đây, cho thấy dòng vốn ngoại đang "yếu thế" trên thị trường chứng khoán.
Khi nào vốn ngoại quay trở lại?
Việc giãn cách xã hội nghiêm ngặt, cùng với những nỗi lo lắng về dịch bệnh Covid-19, cũng như triển vọng kinh doanh sẽ khó được như kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp niêm yết đang được xem là những nỗi lo chính đè nặng lên tâm lý của nhà đầu tư ngoại.
Ngoài ra, theo công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí cuối cùng dựa trên chỉ số Nikkei COVID-19 Recovery Index trong tháng 8 về khả năng phục hồi, kiểm soát dịch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền ngoại kém lạc quan với thị trường trong nước.
VDSC nhận định, trong tháng 9, việc thực hiện nghiêm các chỉ thị để kiểm soát dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài và "có khả năng dẫn đến hành động bán chốt lời khi nhà đầu tư nước ngoài đã khá thành công trong việc "bắt đáy" giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh trong tháng 7".
Trong khi đó, theo chứng khoán SSI, việc bán ròng của khối ngoại trong thời gian dài từ tháng 8 được xem là "mang tính chất tạm thời và nhìn chung phù hợp với tình hình khó lường dịch bệnh".
Việc các hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do dịch bệnh hay sự tăng giá của tiền đồng VND đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ đóng vai trò quan trọng của việc trở lại với dòng vốn ngoại.
"Khả năng kiểm soát được dịch bệnh trong thời gian tới sẽ là tín hiệu quan trọng giúp xu hướng dòng vốn có thể thay đổi. Chính phủ hiện tại đã chuyển chiến lược từ “Ngăn chặn dịch bệnh” sang “Sống chung với Covid-19”, nhằm có thể đối phó với chủng Delta và duy trì hoạt động sản xuất. Nhờ vậy, dòng vốn có thể sẽ khả quan hơn trong tháng 9", SSI nhận định.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát thì khối ngoại sẽ trở lại mua ròng do nền tảng vĩ mô tốt lên và định giá thị trường trở nên hấp dẫn. Cũng theo ông, có thể giai đoạn quý 4 sẽ là thời điểm mua ròng rất mạnh của khối ngoại để đón đầu cho năm tới khi Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng và kinh tế quay trở lại.