Khi mọi người muốn uống cà phê ngon thì người làm cà phê mới sống được
(DNTO) - Mới đây, tại triển lãm quốc tế cà phê, bánh và trà, nhiều thương hiệu cà phê cho biết trong năm qua do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, nhu cầu sử dụng cà phê của người Việt có nhiều thay đổi.
Thị trường cà phê Việt không quá biến động
Chị Bích Sương, đại diện Sieuthicafe.vn cho biết trong suốt thời gian dịch bệnh, các hàng quán đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu khách hàng dùng cà phê tại nhà tăng cao.
Anh Trần Nhật Quang, CEO thương hiệu cà phê Là Việt cho biết đơn vị này có lợi thế là sử dụng nguồn nguyên liệu cà phê tự sản xuất được từ các trang trại Đà Lạt. Anh Quang cho biết năm nay sản lượng cà phê giảm đáng kể vì nhiều lý do.
"Giá đất tại Đà Lạt năm nay tăng quá nhanh khiến chúng tôi khó khăn trong việc mở rộng quy mô canh tác và sản xuất. Thêm nữa, năm nay lại đúng vào điểm rơi của chu kỳ chất lượng đất nên không đạt được năng suất như kỳ vọng. Điều này đã được chúng tôi dự đoán trước", anh Quang nói.
Theo anh Quang, cà phê là cây công nghiệp, sau một năm đạt năng suất cao, hấp thụ dưỡng chất từ đất thì phải mất một khoảng thời gian để phục hồi dinh dưỡng đất trồng. Năm nay là năm đất canh tác đang trong quá trình phục hồi nên năng suất khó đạt cao.
Trên thế giới có 2 sàn giao dịch cà phê chính là Robusta ở London và Arabica ở New York. Dựa vào thị trường thế giới, có thể tiên đoán được nhu cầu thị trường trong nước. Năm nay nguồn cung cho cà phê Arabica ở Việt Nam khan hiếm nhưng nguồn cung Robusta lại dư.
Về giá thành của cà phê trong thời gian qua, anh Châu, đại diện Công ty Cà phê UCC cho biết năm nay giá cà phê Arabica và Robusta không biến động nhiều. Tuy nhiên sản lượng có nhiều thay đổi đáng kể do các yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan.
Ngoài ra, tình hình xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng gặp khó khăn do dịch Covid-19, vận chuyển hàng hóa đường không, đường biển, đường bộ đều bị hạn chế. Dự báo quý I/2021, lượng xuất khẩu cà phê có thể sụt giảm đáng kể, do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lớn có thể khiến giá cà phê tăng lên.
Dịch Covid-19 hiện nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp, đa số tại các nước đang phong tỏa và cách ly xã hội, người tiêu dùng có thói quen tích trữ số lượng lớn hàng hóa và trong đó có cà phê. Chính các yếu tố này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu sử dụng cà phê cũng như giá cà phê trong thời gian tới.
Nên phát huy và nhân rộng văn hóa cà phê
CEO Là Việt Coffee cho rằng cà phê Việt Nam rất đa dạng, có cà phê sữa, cà phê trứng, cà phê phin, cà phê vợt. "Chúng ta nên khuyến khích điều đó, phải làm sao để khi các thương hiệu cà phê thế giới vào Việt Nam, cà phê trong nước vẫn có thể đứng ngang hàng và cạnh tranh sòng phẳng. Điều này sẽ giúp kích thích sự phát triển của cà phê trong nước, người nông dân ngoài trồng cà phê còn phải đặt vấn đề sản phẩm lên trên hết".
Có một thực tế đáng buồn là rất ít quốc gia có thể tận dụng tốt nguồn nguyên liệu cà phê cho thị trường trong nước. Cà phê của họ chỉ có thể thăng hoa ở một nước khác. "Việt Nam chúng ta có lợi thế về nhu cầu thị trường trong nước, nhưng người dân vẫn còn quá dễ dãi trong khẩu vị của mình. Khi mọi người có ý thức muốn uống cà phê ngon thì người làm cà phê mới sống được", ông Quang trăn trở.
Các nhãn hàng cà phê cho biết trong thời gian qua, dù ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh nhưng họ vẫn có chiến lược dự phòng được kích hoạt để duy trì trạng thái bình thường như mở trang thương mại điện tử cho sản phẩm, đặt hàng qua mạng hay giao hàng nhanh tận nơi. Chính nhờ sự thích ứng nhanh chóng này mà các doanh nghiệp cà phê cho biết họ vẫn đang đủ sức duy trì thương hiệu Việt.