Israel có gì hấp dẫn mà khiến 2 tỷ phú Việt đua nhau đổ tiền vào thị trường này?
(DNTO) - Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang tích cực mở đường sang Israel, nơi được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp” với nhu cầu đang gia tăng.
Giấc mơ của các tỷ phú sớm thành hiện thực
Hồi tháng 4 năm ngoái, Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có một nước đi bất ngờ, đó là công bố B-EV Motors là đại diện phân phối sản phẩm chính thức của hãng tại Israel. Nước đi này của Vinfast được đánh giá là khá nhạy bén khi nắm bắt quá trình chuyển dịch xanh tại Israel. Về mảng xe điện, Israel là thị trường tiềm năng khi nước này đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% xe bán ra là xe điện. Đồng thời, đây cũng là thị trường năng động nên dễ dàng chấp nhận các sản phẩm công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Tháng 7 năm nay, VietJet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng làm việc với hãng hàng không Israel là EL AL Airlines để tìm kiếm cơ hội trong lĩnh vực vận chuyển hành khách và hàng hóa cũng như một số dịch vụ logistics và về lâu dài nghiên cứu mở đường bay thẳng giữa hai bên.
Cơ hội của 2 vị tỷ phú nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung tại thị trường Israel ngày càng rộng mở. Bởi vào 25/7 vừa qua, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel (VIFTA) đã chính thức ký kết. Đây là quốc gia đầu tiên tại khu vực Tây Á mà Việt Nam ký kết FTA. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á mà Israel ký hiệp định thương mại tự do.
Cam kết mạnh mẽ VIFTA là tỷ lệ tự do hoá tổng thể đến cuối lộ trình cam kết của Israel là 92,7% số dòng thuế, Việt Nam là 85,8% số dòng thuế. Việc có FTA với Israel cũng giúp Việt Nam mở đường tiếp cận các thị trường khác tại Trung Đông, Bắc Phi và Nam Âu.
Nhận định về cơ hội tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết các doanh nghiệp cần tích cực quan tâm tới giao dịch làm ăn với đối tác và thị trường Israel để tận dụng những ưu đãi do Hiệp định VIFTA mang lại, nhất là ưu đãi về thuế quan trong thời gian tới khi Hiệp định được hai bên phê chuẩn và đưa vào thực thi.
“Công ty Sovico/Vietjet Air cần tích cực triển khai nội dung hợp tác hàng không với đối tác Israel để có thể xem xét mở đường bay chở khách hoặc chở hàng hóa trong thời gian tới giữa hai nước. Công ty Vinfast/Vingroup cần sớm triển khai việc đưa lô hàng xe ôtô điện sang thị trường Israel để tận dụng nhu cầu đang gia tăng tại thị trường đối với mặt hàng này cũng như đón đầu tận dụng những ưu đãi của Hiệp định VIFTA”, Thương vụ khuyến nghị.
Đất nước của khởi nghiệp và công nghệ
Với 70% diện tích là sa mạc, nên Israel nhập khẩu hàng tiêu dùng mỗi năm khoảng 35 tỷ USD. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa các mặt hàng tiêu dùng, vốn là thế mạnh của ta, vào thị trường này. Theo đánh giá, có khoảng 70 mặt hàng Việt Nam có thể xuất khẩu sang Israel. Thương vụ Việt Nam tại Israel thông tin, đầu tháng 9 năm nay, Israel tiếp tục nới lỏng việc nhập khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm bằng cách công nhận các quy định của EU.
“Các sản phẩm tuân thủ các quy định tiêu chuẩn của châu Âu và được bán ở châu Âu sẽ được được phép nhập khẩu vào Israel mà không cần phải xin giấy phép nhập khẩu chuyên ngành theo các quy định tiêu chuẩn đặc thù của Israel như trước đây”, Thương vụ nhấn mạnh.
Ngược lại, Israel rất mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phần mềm, an ninh mạng, giải pháp kỹ thuật về thông tin mạng… Với dân số chỉ gần 10 triệu người nhưng Israel có số lượng startup nhiều nhất thế giới, khoảng 1 công ty trên 1.400 người, do đó được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”. Thu nhập bình quân đầu người tại Israel rất cao, khoảng 55.000 USD/năm. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam cơ hội chuyển giao công nghệ, nhân lực, thu hút vốn mạo hiểm từ thị trường này.
Tuy vậy, sự bất ổn về chính trị tại Israel cũng là yếu tố tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư với Việt Nam. Theo Thương vụ Việt Nam tại Israel, tình hình an ninh chính trị trong tháng 9 tiếp tục có những bất ổn trong nội tại ở địa bàn.
Cùng với đó, hệ lụy của việc Chính phủ Israel thực hiện cải cách tư pháp, các cuộc biểu tình đông người và lan rộng liên tục xảy ra, chiến tranh xung đột trên biên giới với Dải Gaza-Lebanon-Syria đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường hoạt động kinh doanh và nền kinh tế Israel.
Điều này tác động bất lợi tới hoạt động ngoại thương của Israel, trong đó trao đổi thương mại với Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Israel trong 8 tháng đầu năm giảm mạnh. Trong đó xuất khẩu đạt 40,56 tỷ USD, giảm 9,06%; nhập khẩu đạt 62,87 tỷ USD, giảm 14,17%; thâm hụt thương mại 22,32 tỷ USD.
“Trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình diễn biến an ninh chính trị tại thị trường sở tại để kịp thời cập nhật thông tin phục vụ cho công tác giao dịch, ký kết hợp đồng và vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Doanh nghiệp nên liên hệ trực tiếp với Thương vụ để thẩm tra kỹ tư cách pháp lý của đối tác bạn hàng khi giao dịch kết nối với nhau qua mạng internet”, Thương vụ khuyến nghị.