Hút vốn ngoại năm 2022: Kỳ vọng bứt phá từ những 'cú hích' tỷ USD
(DNTO) - Việt Nam đang mở cửa trở lại nền kinh tế với các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã khôi phục gần 90%. Nhiều chuyên gia kỳ vọng kinh tế Việt Nam có thể "bật dậy" tăng trưởng gấp đôi trong năm 2022, nhất là khi rất nhiều dự án tỷ USD đã được các "ông lớn" cam kết rót vốn.
Ồ ạt đón những dòng vốn lớn bất chấp cú “lockdown” lịch sử
Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020. Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 ước đạt 19,74 tỷ USD.
Việt Nam cũng ồ ạt đón nhận những dự án đầu tư nước ngoài lớn. Mới đây nhất, ngày 8/12/2020: Tập đoàn LEGO đã ký Biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm. Đây là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và thứ 2 ở châu Á cho thấy sức hút của thị trường châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng.
Mới đây, Tập đoàn Kurz (Đức) đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư để triển khai xây dựng nhà máy chuyên sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Dự án có vốn đầu tư 40 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động giữa năm 2023.
Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã được Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Đây chính là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19 và cải thiện môi trường đầu tư.
Ngoài ra, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã quyết định rót 340 triệu USD để sở hữu 4,9% cổ phần tại The CrownX - đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng WinMart và WinMart+, tiếp tục khẳng định mối quan tâm và tham vọng lớn tại thị trường Việt Nam. Hay chỉ từ ngày 1/10 đến nay, Long An đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 15 dự án mới vào trong các KCN của tỉnh, dẫn đầu cả nước khi thu hút được 35 dự án FDI.
Tại tỉnh Đồng Nai, việc thu hút FDI với dòng vốn lớn vào lĩnh vực công nghệ cao được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2022, dự tính sẽ thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực vượt 1 tỷ USD so với năm trước.
Lãnh đạo tỉnh này cho biết năm nay sẽ ưu tiên thu hút dự án công nghiệp phục vụ phát triển chiều sâu các ngành công nghiệp mũi nhọn như: Cơ khí chế tạo, điện điện tử, các dự án công nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cao…
Ông Park Hyun Bae, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đồng Nai cho hay: “Doanh nghiệp Hàn Quốc đang dẫn đầu trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng nguồn vốn trên 7 tỷ USD, đa số vào lĩnh vực công nghiệp. Năm 2022, dịch bệnh được khống chế tốt, giao thương trở lại bình thường sẽ có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đến tỉnh đầu tư vào công nghiệp, bất động sản và logistics”.
Bên cạnh việc liên tiếp đón nhận các dự án đầu tư mới, hiện nhiều địa phương cũng tiếp tục sẵn sàng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất để đón “đại bàng”. Các dự án cũng được đẩy nhanh tiến độ để chào đón các nhà đầu tư. Một số địa phương như Bắc Ninh, Long An, Bình Dương… đã phát triển mô hình mới nhằm cụ thể hoá Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Ngọc, bên cạnh những tác động tiêu cực, dịch Covid-19 cũng đã tạo sức ép để Việt Nam hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chính sách thu hút FDI ngày càng được cải thiện; cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và thủ tục hành chính được đẩy mạnh cải cách theo hướng đơn giản hóa... Chính các yếu tố nói trên đã giúp Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn được những tập đoàn kinh tế lớn như Samsung, Foxconn, Nike, Adidas, Gap và Levis…. lựa chọn.
"Chớp" cơ hội trước đà số hoá
Đánh giá về xu hướng tăng trưởng FDI năm 2022, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho rằng, quốc gia Đông Nam Á này vẫn sẽ được kỳ vọng đón dòng FDI bứt phá.“Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam là địa bàn quan trọng để thực hiện các hoạt động chế biến, chế tạo cung cấp cho thị trường ASEAN”, chuyên gia của ADB nhấn mạnh.
Nhìn chung, các đánh giá đều tin tưởng vào xu hướng phục hồi mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. Có rất nhiều lý do để lạc quan cho năm 2022, nhất là khi tỷ lệ tiêm chủng vaccine của Việt Nam cao hàng đầu khu vực và tốc độ cũng nhanh thuộc top đầu thế giới hiện nay, khi đã có gần 90% dân số trên 18 tuổi tiêm đủ 2 liều vaccine Covid-19 theo công bố mới nhất của Bộ Y tế chiều 30/12.
Báo cáo mới đây của HSBC Global Research cho thấy, vốn đầu tư nước ngoài là một trụ cột vững chắc của kinh tế Việt Nam. Dù hiện tại, vẫn còn những băn khoăn liên quan đến những gián đoạn về chuỗi cung ứng, sự thiếu hụt lao động do Covid-19, tuy nhiên, hoàn toàn có niềm tin vững chắc và có nhiều “lý do để lạc quan” về thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
"Việt Nam vẫn có những lợi thế cạnh tranh về chi phí nhân công hợp lý, hạ tầng ngày càng được cải thiện, chính sách mở cửa, tạo điều kiện hỗ trợ các nhà đầu tư và đặc biệt là hàng loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết như EVFTA, CPTPP thành công...", giới chuyên gia đánh giá.
Bên cạnh những “cửa sáng” như trên, giới chuyên gia cho rằng từ nay đến năm 2025, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam có thể mở rộng lên 52 tỷ USD. Cho nên, các phân ngành của nền kinh tế kỹ thuật số sẽ được các nhà đầu tư ngoại tiếp tục nhắm đến và Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận dòng vốn lớn.
Mặt khác, trong khi người tiêu dùng Việt Nam vẫn là một phần động lực của FDI, thì có thể lộ trình các doanh nghiệp nước ngoài cần thực hiện để tiếp cận người tiêu dùng cũng có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực khi tiến sâu hơn vào công nghệ cao.
Không những vậy, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025 có 70.000 công ty công nghệ số với 1,2 triệu nhân lực, cũng là yếu tố hấp dẫn cho dòng vốn ngoại tiếp tục đổ vào lĩnh vực này.
Cần ghi nhận có những doanh nghiệp FDI đang chớp cơ hội trước đà số hoá ở Việt Nam, cũng như tái khẳng định vị thế trung tâm sản xuất của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Điển hình như Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch (BGSV) dự kiến trong tháng 2 tới sẽ thành lập thêm một trung tâm phát triển công nghệ cao tại Hà Nội. Đây sẽ là trung tâm thứ 2 của doanh nghiệp này ở Việt Nam với cùng mục tiêu phát triển thành trung tâm công nghệ hàng đầu với tổng cộng 6.000 kỹ sư.
Chia sẻ về chiến lược mở rộng hoạt động tại Việt Nam, ông Dattatreya Gaur, Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Phần mềm Toàn cầu Bosch (của Đức) cho biết: "Đây là cơ hội tuyệt vời để tận dụng sự hiện diện toàn cầu nhằm phục vụ nhu cầu số hóa ngày càng thiết yếu trong lĩnh vực công nghệ".