Hướng tới trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Tây Bắc
(DNTO) - Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã xác định: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”.
Phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động và chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Sơn La đã thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Thu tiền tỷ từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Công ty cổ phần hoa Nhiệt đới là một trong những doanh nghiệp đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp trên cao nguyên Mộc Châu. Công ty chuyên trồng hoa lan, hoa ly, hoa tu-líp và các loại rau, củ, quả trái vụ áp dụng công nghệ cao vào sản xuất. Doanh thu bình quân của Công ty đạt khoảng 180-220 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6-9 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Công ty đã đầu tư 18 ha đất sản xuất; trong đó có 2 ha nhà kính trồng hoa lan có hệ thống tưới ẩm tự động và điều hòa giữ cho nhiệt độ ổn định, phù hợp với cây trồng; 8 ha nhà lưới trồng hoa ly, hoa tu-líp và rau, củ, quả trái vụ...
Chị Nguyễn Thúy Hà, Phó giám đốc Công ty, cho biết: Hằng năm, Công ty sản xuất 300.000 cây lan và 1 triệu cây hoa ly, sử dụng 100% cây giống nuôi cấy mô nhập khẩu để trồng và chăm sóc theo quy trình đặc biệt, có can thiệp điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ để ức chế tác động vào quá trình sinh trưởng của hoa lan, giúp hoa nở đúng thời gian thu hoạch theo ý muốn. Năm 2021, tổng doanh thu của Công ty đạt 220 tỷ đồng. Sản phẩm của Công ty chủ yếu cung ứng ra thị trường miền Bắc.
Tại HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh, tiểu khu 3/2, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc na cho thu quả rải vụ, mang lại thu nhập kinh tế cao. Anh Bùi Văn Lộc, Giám đốc HTX cho biết: HTX đã cải tạo ghép toàn bộ diện tích sang giống na Thái, Đài Loan và na sầu riêng cho quả to, ít sâu bệnh, giá trị kinh tế cao, kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tưới nước, thụ phấn để rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch na thêm 2 tháng. Năm 2021, sản lượng na HTX thu hoạch gần 650 tấn, doanh thu 35 tỷ đồng.
Khuyến khích phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất
Ngành Nông nghiệp và PTNT tập trung ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu; ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc đàn cá bố mẹ; áp dụng công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp vuốt đẻ và ấp trứng bằng bình vây; ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống. Toàn tỉnh hiện đang hỗ trợ, duy trì, phát triển 236 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; đưa vào sản xuất 51 bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng suất, chất lượng; có 13.109 ha ghép cải tạo cây ăn quả; 1.234 ha cây trồng được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun; hơn 53 ha trồng trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng; 3.962 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương...
Toàn tỉnh đã được cấp 220 mã số vùng trồng, diện tích hơn 4.840 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 33 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tổng số mã vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc 125 mã, hơn 4.070 ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Mỹ 47 mã, diện tích hơn 412 ha; mã số vùng trồng cây ăn quả được cấp để xuất khẩu sang thị trường Úc, New Zealand 48 mã, diện tích hơn 385 ha.
Có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ gồm: 3 chỉ dẫn địa lý (chè Shan tuyết Mộc Châu; quả xoài tròn của huyện Yên Châu; cà phê Sơn La); 18 nhãn hiệu chứng nhận (chè Ôlong Mộc Châu; rau an toàn Mộc Châu; nhãn Sông Mã; cam Phù Yên; táo Sơn Tra; bơ Mộc Châu; na Mai Sơn; chè Phổng Lái (Thuận Châu); nếp Mường Và (Sốp Cộp), bơ Sơn La, nhãn Sơn La, xoài Sơn La, cá Sông Đà, cá tầm Sơn La, rau an toàn Sơn La, chanh leo Sơn La, mận Sơn La); 3 nhãn hiệu tập thể (Mật ong Sơn La; chè Tà Xùa Bắc Yên; khoai sọ Thuận Châu); trong đó, có 2 sản phẩm được bảo hộ tại nước ngoài là chè Shan Tuyết và xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại châu Âu theo hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 7/2020; sản phẩm chè Shan Tuyết được bảo hộ tại Thái Lan năm 2017.
Có 83 sản phẩm OCOP; trong đó: có 1 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; 31 sản phẩm 4 sao và 51 sản phẩm 3 sao. Tiêu biểu như sản phẩm cà phê bột nguyên chất, trà vỏ cà phê; cá Tép dầu; chè Trọng Nguyên; mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; trà xanh mây; hồng giòn sấy dẻo; ống hút tre Bình Minh; gạo nếp tan Ngọc Chiến; ống hút, cốc, dao, thìa dĩa tre Gia Phát; trà Sencha; ngọc trai Queenpearl...
Nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất gắn với nhà máy chế biến nông sản hoạt động có hiệu quả như: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết với sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ; Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 469 hộ nông dân trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR....
Năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã phát triển thêm nhiều vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến chè, cà phê, mía, sắn; phát triển thêm 3.321 ha diện tích ngô phục vụ Nhà máy chế biến thức ăn gia súc TMR Mộc Châu chế biến cung cấp nuôi bò sữa; toàn tỉnh ước thực hiện trên 40 triệu túi bao quả với tổng diện tích trên 3.000 ha.
Sơn La đã thu hút đầu tư thêm Dự án Tổ hợp trang trại sinh thái, bò sữa công nghệ cao Mộc Châu với quy mô 4.000 con bò sữa đáp ứng sản xuất khoảng 20 triệu lít sữa bò tươi nguyên chất mỗi năm, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; Nhà máy chế biến nông sản cụm công nghiệp Mộc Châu; khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu Doveco tại huyện Mai Sơn; hoàn thiện các thủ tục pháp lý về quy hoạch xây dựng, đất đai để thu hút đầu tư 1 nhà máy chế biến sữa của Vinamilk tại Mộc Châu với quy mô 20 triệu lít/năm, tổng mức đầu tư khoảng 600 tỷ đồng...
Toàn tỉnh có trên 500 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản; trong đó, 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu chè, tinh bột sắn, cà phê, tơ tằm, chanh leo, mủ cao su, rau, quả. 702 HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Trong đó, có trên 30% hợp tác xã có ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm nước, nhà lưới, nhà kính, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Có gần 100 doanh nghiệp, HTX cung ứng thực phẩm an toàn áp dụng có hiệu quả hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng tem điện tử thông minh Qr-Code bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh
Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã xác định: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”. Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: Xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu. Xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Diện tích cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương là 13.179 ha. Tiếp tục xây dựng quản lý, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; duy trì bền vững các sản phẩm nông sản gắn với các sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao...
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Thời gian tới, tỉnh Sơn La tập trung đầu tư nguồn nhân lực có trình độ; hoàn thành các dự án khu ứng dụng công nghệ đảm bảo cơ sở hạ tầng nghiên cứu và nhân lực để triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu. Làm chủ các công nghệ tiên tiến, khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phòng trừ dịch bệnh hại và thực hiện bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp; quan tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ dựa trên tình hình sản xuất thực tiễn để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị nông sản, tăng khả năng cạnh tranh, đó là hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp thời gian tới.
Với mục tiêu và giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành Nông nghiệp và PTNT Sơn La tiếp tục phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần đưa Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc trong tương lai không xa.