Hỗ trợ nông dân bảo quản, sơ chế các mặt hàng nông sản
(DNTO) - Cùng với việc tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm quả tươi cho người sản xuất, tỉnh ta đang khuyến khích các hộ nông dân tham gia lĩnh vực chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương.
Hiện nay, ngoài 17 nhà máy chế biến nông sản có công nghệ hiện đại được các doanh nghiệp đầu tư, trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động của trên 560 cơ sở chế biến nông sản của các hợp tác xã và hộ dân.
Sơn La hiện có trên 82,8 nghìn ha trồng cây ăn quả các loại, sản lượng hàng năm đạt hơn 450 nghìn tấn; diện tích trồng các loại cây công nghiệp trên 81,1 nghìn ha, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất chè, cà phê, mía đường… với tổng sản lượng hơn 700 nghìn tấn/năm. Nông nghiệp Sơn La đang từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Cùng với đó, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn kết doanh nghiệp - HTX - nông dân đã hình thành và được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhằm tránh tình trạng nông sản không được bảo quản và sơ chế sau thu hoạch, gây thiệt hại cho người nông dân, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến nông sản.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh khó khăn về nguồn vốn, kinh nghiệm chế biến các sản phẩm nông sản. Để giải quyết những khó khăn trên, ngày 28/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND, quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021. Theo đó, hỗ trợ xây dựng kho bảo quản (đông lạnh, kho lạnh) có diện tích từ 50m² trở lên, với mức hỗ trợ là 500 nghìn đồng/m² xây dựng kho và 30% chi phí mua thiết bị, nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình. Hỗ trợ công-ten-nơ đông lạnh, lạnh (chỉ hỗ trợ đối với các hộ gia đình) áp dụng đối với các công-ten-nơ đông lạnh, lạnh loại 20 feet (dài 6m, rộng 2,4m, cao 2,6m) trở lên, với mức hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư về lắp điện và mua thiết bị làm lạnh, nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/hộ gia đình. Hỗ trợ lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh, áp dụng đối với các lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh có diện tích lò sấy từ 10m² trở lên, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/m² xây dựng lò sấy hơi (lò sấy và thiết bị), nhưng tối đa không quá 60 triệu đồng/hợp tác xã, hộ gia đình.
Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Sau khi Quyết định số 1818 của UBND tỉnh ban hành, ngành đã phối hợp với các địa phương rà soát những cơ sở có đủ điều kiện xây dựng lò sấy, phương tiện bảo quản nông sản. Theo đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm xây lò sấy đạt trên 45 tỷ đồng. Từng bước giúp nông dân có phương án bảo quản phù hợp với từng loại nông sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sản phẩm không được tiêu thụ kịp thời. Sau khi kết thúc việc hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 1818 của UBND tỉnh vào cuối năm 2021, qua rà soát, đánh giá, có thể thấy giá trị các sản phẩm nông sản sau khi đã được sấy khô đã được nâng cao giá trị, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Tìm hiểu tại huyện Mường La, huyện hiện có 5.800 ha trồng cây ăn quả, sản lượng quả tươi các loại đạt 20.000 tấn/năm; 2.229 ha cây sơn tra, sản lượng 8.500 tấn quả. Do việc chế biến sản phẩm quả tươi còn hạn chế, nhiều xã giao thông khó khăn, nông sản của nông dân thường bị tư thương ép giá. Bởi không có điều kiện bảo quản, lại không được sơ chế sau thu hoạch, thì chỉ trong thời gian ngắn, sản phẩm quả sẽ bị thối, hỏng.
Ông Lù Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, thông tin: Thực hiện Quyết định 1818/QĐ-UBND của UBND tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho 7 hộ gia đình trên địa bàn huyện với tổng số tiền là 300 triệu đồng, để đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm quả nhãn và nông sản khác. Đây sẽ là những mô hình điểm để các hộ nông dân đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị nông sản cũng như tăng thu nhập cho nông dân.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh giúp các hộ dân xây dựng lò sấy, sơ chế nông sản, hàng năm, Hội Nông dân tỉnh còn chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân tổ chức các lớp đào tạo nghề sơ chế, chế biến nông sản. Theo đó, hội nông dân các huyện đã thông tin đến hội viên tại địa phương đăng ký nhu cầu học nghề. Đối tượng được tạo điều kiện học nghề gồm hội viên nông dân nghèo; học sinh đã tốt nghiệp bậc trung học phổ thông; quân nhân xuất ngũ… Sau mỗi khóa học, Trung tâm kiểm tra kiến thức, kỹ năng của từng học viên, đánh giá chất lượng đào tạo; rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng các lớp đào tạo nghề tiếp theo. Đồng thời, kết nối, giới thiệu một số lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, cho biết: Từ việc phối hợp, nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp của các địa phương trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, việc bảo quản nông sản sau thu hoạch của nông dân còn hạn chế. Do đó, trong kế hoạch hàng năm, chúng tôi đã chọn nghề sơ chế sản phẩm nông nghiệp để tổ chức tập huấn cho nông dân. Đồng thời, phối hợp với Khoa Nông lâm - Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Công nghệ thực phẩm - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phân công giảng viên trực tiếp giảng dạy. Với phương châm “Học đi đôi với hành”, chúng tôi đã đề nghị Hội Nông dân tỉnh chỉ định một số HTX làm điểm học tập sơ chế nông sản sau thu hoạch, nhằm củng cố kiến thức cho học viên.
Ông Giàng A Chinh, Giám đốc Hợp tác xã sơn tra Nậm Lộng, xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, cho hay: Hiện nay, HTX có trên 50 ha cây sơn tra đã cho thu hoạch quả. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, HTX đã cử thành viên tham gia tập huấn, tiếp thu kiến thức về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Kỹ thuật ghép mắt, tỉa cành, phòng chống sâu bệnh, chăm sóc, thu hái và bảo quản quả sơn tra sau thu hoạch, sau đó về hướng dẫn cho các thành viên HTX và bà con trong bản. Chúng tôi đã thống nhất, sau thu hoạch quả không dùng hóa chất để bảo quản quả, nên sản phẩm sơn tra của HTX bảo đảm an toàn với người tiêu dùng. HTX đã đầu tư trên 100 triệu đồng xây dựng kho lạnh rộng 70 m², do vậy sản phẩm quả sau thu hoạch có thể bảo quản được từ 60-90 ngày, nên không còn lo việc bị tư thương ép giá sản phẩm nữa.
Có thể nói, việc hỗ trợ nông dân tham gia lĩnh vực chế biến nông sản đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, cũng như tạo việc làm và thu nhập ổn định, giúp nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.