Mùa dứa ngọt
(DNTO) - Sau hơn 1 năm bén rễ trên đồng đất Sơn La, những nương dứa Queen trồng theo chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã bắt đầu cho thu hoạch.
Những ngày này, trên các vùng nguyên liệu ở các huyện Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu... bà con nông dân đang bắt đầu thu hoạch dứa. Những thành quả lao động hơn 1 năm qua đang cho những trái ngọt đầu tiên.
Có mặt tại vùng nguyên liệu dứa của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Từ tờ mờ sáng, những người nông dân đã có mặt trên nương để thu hoạch dứa. Thu hoạch dứa vất vả, những chiếc gai dứa đâm tua tủa trên quần áo, găng tay xước rách nhưng những nụ cười luôn vẫn rạng rỡ những trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Tất bật thu hoạch dứa, anh Lò Văn Thương, bản Huổi Mo, cho biết: Trước đây, mảnh nương này chỉ trồng ngô, sắn. Đầu năm 2021, được xã, bản vận động chuyển đổi sang trồng dứa, tôi đăng ký trồng 1 ha, được huyện hỗ trợ 100% tiền giống; được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Sau 16 tháng trồng, dứa đã cho thu hoạch; tỷ lệ dứa loại 1 chiếm trên 90% sản lượng. Ước tính, 1 ha dứa cho thu khoảng 30 tấn, trừ chi phí, gia đình tôi sẽ thu khoảng 80 triệu đồng.
Khu vực bãi tập kết dứa tại sân nhà Giám đốc HTX Nông nghiệp bản Huổi Mo, những chiếc xe máy chở từng bao tải dứa từ trên nương nườm nượp đổ về. Từng bao dứa của các hộ dân được xếp gọn thành từng đống riêng, dậy mùi thơm dịu ngọt.
Vừa chặt bỏ các ngọn dứa, chị Tòng Thơm vừa nói chuyện: Tôi và bà con trong bản ai cũng vui. Cứ 2 ngày 1 lần, Công ty cho xe vào thu mua tận bản, loại 1 có giá 4.500 đồng/kg, loại 2 có giá 2.800 đồng/kg. 3 ha dứa của gia đình sẽ cho thu đến trung tuần tháng 12; hiện gia đình đã bán được 3 tấn dứa. Trồng dứa không khó, song tôi thấy, những diện tích được che màng phủ nông nghiệp sẽ hạn chế được tối đa cỏ dại, tiết kiệm công làm cỏ, giảm chi phí, giữ nước tốt hơn, năng suất cao hơn so với diện tích dứa trồng trên đất. Vì vậy, sang năm tôi sẽ lựa chọn màng phủ cho diện tích dứa của nhà mình.
Ông Lò Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, Sông Mã, cho biết: Năm 2021, xã có 41 hộ dân ở các bản Mo và Huổi Mo đăng ký trồng 50 ha dứa, sản lượng ước khoảng 180 tấn. Trước những tín hiệu tích cực từ quả dứa mang lại, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng dứa. Phấn đấu đến cuối năm 2022, chúng tôi sẽ trồng thêm 10 ha.
Còn tại huyện Quỳnh Nhai, địa phương hiện có diện tích dứa nguyên liệu lớn nhất cung cấp cho Trung tâm chế biến rau quả Doveco. Đều đặn hàng tuần, ông Lưu Quốc Bảo, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La lại có mặt tại các nương dứa để hướng dẫn bà con cách thu hái quả đúng tiêu chuẩn. Ông Bảo cho biết: Năm đầu tiên triển khai trồng, chúng tôi đã cử cán bộ kỹ thuật xuống từng bản, vào từng hộ dân, đồng hành, hướng dẫn bà con trong tất cả các công đoạn chăm sóc, thu hái. Đồng thời, thường xuyên liên lạc, trao đổi về thời gian thu mua để bà con chủ động thu hái. Dứa thu hoạch bán cho nhà máy đảm bảo yêu cầu về độ chín, thời gian từ thời điểm thu hoạch đến khi vận chuyển về nhà máy không quá 24h. Đến giờ, có thể khẳng định, cây dứa Queen hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Sơn La, quả to, ngọt, nhiều nước.
Tại bản Bo Xanh, xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, cứ 2 ngày sẽ có 1 chuyến xe của nhà máy đến thu dứa. Anh Tòng Văn Huấn, Giám đốc HTX nông nghiệp bản Bo Xanh, thông tin: HTX thành lập từ đầu năm 2021 với 7 thành viên canh tác 15,5 ha dứa. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, việc bao tiêu dứa cho bà con cũng được thực hiện theo chuỗi liên kết thông qua vai trò HTX.
Toàn bộ dứa sau thu hoạch được chở về các điểm tập kết của HTX, sau đó xe của công ty sẽ đến tận nơi thu mua toàn bộ cho bà con. Tiền sẽ được trả cho HTX theo từng đợt thu mua, HTX sẽ có trách nhiệm thanh toán đến người dân.
Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La đang hoàn thiện dây chuyền chế biến dứa công suất từ 200-250 tấn dứa/ngày. Năm 2021, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký kết hợp đồng với 21 HTX trồng 264 ha dứa nguyên liệu tại 9 huyện trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, khoảng 80% diện tích đang cho thu hoạch, tuy nhiên, sản lượng mới chỉ đáp ứng khoảng 30-35% công suất nhà máy.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Doveco chi nhánh Sơn La, cho biết: Để đảm bảo vùng nguyên liệu bền vững, năm 2022, Công ty dự kiến trồng mới 1.000 ha dứa, nâng tổng diện tích dứa toàn tỉnh lên gần 1.300 ha. Thời điểm này, ngoài việc hướng dẫn bà con kỹ thuật thu hoạch, chúng tôi tập trung giúp bà con kỹ thuật chăm sóc chồi dứa để phục vụ cho việc mở rộng diện tích trong thời gian tới. Việc chủ động nguồn cây giống sẽ giúp bà con giảm chi phí đầu tư ban đầu, làm tăng chu kỳ thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Việc phát triển cây dứa theo hình thức nông dân liên kết với doanh nghiệp, trồng theo quy trình sản xuất an toàn, chủ động rải vụ, đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy chế biến đã và đang mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Qua đó, giúp người dân khai thác hiệu quả đất canh tác, tiếp tục gắn bó, mở rộng diện tích cho ra những mùa trái ngọt, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.