Hơn 500.000 cuộc gọi đến Tổng đài bảo vệ trẻ em mỗi năm
(DNTO) - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, số lượng cuộc điện thoại gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) dự báo sẽ không dừng lại ở con số 500.000 cuộc/năm.
Đó là chia sẻ của ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em tại hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”, tổ chức ngày 24/11.
Theo số liệu của Cục Trẻ em, mỗi năm có hơn 500.000 cuộc gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) về tư vấn, can thiệp bạo lực, bóc lột, trẻ bị mua bán, vi phạm quyền trẻ em…
Năm 2022, số lượng cuộc gọi đến giảm nhẹ nhưng dự báo xu hướng sẽ vẫn tăng. Chỉ trong 11 tháng qua, Tổng đài 111 tiếp nhận trên 356.000 cuộc gọi qua các kênh điện thoại, Zalo, app 111… Trong đó, 413 ca liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và 17 thông báo về các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối internet.
Theo số liệu báo cáo của UNICEF, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 có sử dụng internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên theo ông Tuân, việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên internet gia tăng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro, phổ biến như: tiếp cận với nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện internet…
Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập kiêm CEO CyberPurify (doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên mạng) cho biết, một kết quả khảo sát quốc tế cho thấy 95% trẻ từ 3-18 tuổi truy cập internet tại nhà, và cũng có tới 79% trường hợp tiếp xúc không mong muốn với nội dung người lớn xảy ra tại nhà.
Theo bà Trúc, trò chuyện và công nghệ là mấu chốt trong việc bảo vệ con hiệu quả trên môi trường mạng. Cha mẹ nên chủ động hỏi quan điểm của con, đặc biệt đối với các vấn đề nhạy cảm, trao đổi minh bạch với con trước khi sử dụng bất kỳ công cụ bảo vệ, tôn trọng và lắng nghe các ý kiến trái chiều từ con. Đặc biệt, không được xem trộm tin nhắn của con hay cài phần mềm theo dõi, tránh tác dụng ngược vì khi ấy trẻ đề phòng hơn, thậm chí tìm cách để "lách" theo dõi.
Để bảo vệ con hiệu quả trên môi trường mạng, các chuyên gia khuyên rằng, đối với trẻ mầm non hoặc tiểu học, cha mẹ nên có thể hoãn thời điểm cho trẻ sở hữu thiết bị điện tử. Với trẻ lớn hơn, các bậc cha mẹ hãy trao đổi trước với con cái về việc cài đặt ứng dụng kiểm soát trên thiết bị, bởi trẻ ở độ tuổi này rất nhạy cảm với quyền riêng tư, dễ phản ứng tiêu cực nếu cha mẹ có khuynh hướng cấm đoán.