Đâu là cách giữ an toàn cho trẻ em khi trực tuyến?
(DNTO) - Những việc trẻ em đang làm khi tham gia trực tuyến ảnh hưởng đến tình trạng khỏe mạnh của chúng hơn là chúng dành bao nhiêu thời gian dành cho trực tuyến. Cha mẹ, các nhà giáo dục và trẻ em cần nhận thức được những rủi ro đang nổi lên để được trang bị tốt hơn trong việc bảo vệ bản thân.
Một nghiên cứu của Common Sense Media tiết lộ rằng, thời gian sử dụng thiết bị trung bình của trẻ em từ 8 đến 12 tuổi là 5 giờ/ngày; đối với thanh thiếu niên là hơn 7 giờ vào năm 2019. Không có gì ngạc nhiên, vì theo nghiên cứu gần đây, trẻ em ngày càng tiếp xúc nhiều hơn vào màn hình, nhất là trong thời gian phong tỏa toàn cầu do dịch Covid-19.
Những người lớn thường quan tâm, lo lắng về thời gian sử dụng thiết bị quá nhiều của trẻ em hoặc rủi ro trực tuyến hơn là lợi ích mà điều đó mang lại. Do đó, sự cám dỗ đối với những bậc cha mẹ này là tập trung quá nhiều vào việc hạn chế sử dụng internet hơn là cho phép con cái họ tham gia trực tuyến một cách an toàn.
Trong khi tác động của thời gian sử dụng thiết bị đối với trẻ em vẫn còn đang được tranh luận, theo báo cáo “Lớn lên trong một thế giới kết nối” của tổ chức UNICEF cho thấy, những gì trẻ em đang làm trên mạng ảnh hưởng đến tình trạng khỏe mạnh của chúng nhiều hơn so với thời gian chúng sử dụng dành cho trực tuyến, và những đứa trẻ tham gia các hoạt động trực tuyến nhiều cũng cẩn thận hơn với các rủi ro gặp phải.
Vì vậy, thay vì cản trở việc sử dụng Internet của trẻ em, người lớn cần học cách tạo điều kiện hiệu quả cho trải nghiệm trực tuyến. Nhưng khi đối mặt với sự phức tạp và phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhiều bậc cha mẹ cảm thấy không đủ tự tin để hướng dẫn cho những đứa trẻ hiểu biết hơn với vốn công nghệ của họ.
Điều quan trọng cần nhớ là không phải lúc nào rủi ro cũng dẫn đến nguy hại. Trẻ em gặp rủi ro trực tuyến có thể không bị tổn hại nếu chúng có kiến thức và khả năng phục hồi để đối phó với trải nghiệm.
Rủi ro trực tuyến cho trẻ em
Theo nghiên cứu “Trẻ em trong môi trường số” và Phân loại Rủi ro của OECD (Organisation for Economic Cooperation and Development – Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế), đã cung cấp một cuộc khảo sát thực tế về những rủi ro đang nổi lên mà những bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và trẻ em nên nhận thức được. Những rủi ro như dưới đây:
• Rủi ro về nội dung: bao gồm nội dung thù ghét, có hại hoặc bất hợp pháp cũng như thông tin sai lệch.
• Rủi ro về hành vi: những điều này đề cập đến hành vi của chính trẻ em có thể khiến chúng dễ bị tổn thương, tức là trong trường hợp gửi tin nhắn mang tính xâm hại hoặc đe dọa trực tuyến.
• Rủi ro Tiếp xúc: bao gồm những kẻ quấy rối trực tuyến, buôn bán và dụ dỗ trẻ em trên mạng, và đã được xác định là mối quan tâm ngày càng tăng trên khắp các quốc gia trong tổ chức OECD.
• Rủi ro về khách hàng: chẳng hạn như các thông điệp tiếp thị không phù hợp cũng như gian lận trực tuyến.
• Rủi ro về Quyền riêng tư: nhiều trẻ em chưa hiểu được những tiết lộ về quyền riêng tư mà chúng gặp phải, cũng như giá trị của thông tin cá nhân của chúng. Mong muốn chia sẻ quá mức của cha mẹ (Hoạt động của các bậc cha mẹ ghi lại quá trình nuôi dạy của con mình bằng cách đăng các bức ảnh, giai thoại, v.v. lên mạng xã hội) cũng có thể tạo ra những lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật.
• Rủi ro về công nghệ tiên tiến: việc sử dụng các công nghệ dựa trên AI(trí tuệ nhân tạo), Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) và thực tế ảo mở rộng (XR - extended virtual reality) gây ra nhiều rủi ro hơn nữa. Thế giới ảo nhập vai trong Metaverse đi kèm với các mối đe dọa mới và trầm trọng hơn, nhiều mối đe dọa trong số đó vẫn chưa được hiểu rõ.
Lời khuyên dành cho cha mẹ
Cũng giống như việc dạy trẻ em về sự an toàn trong thế giới ngoại tuyến, chúng ta cần nói về những rủi ro trực tuyến. Một sự đồng thuận ở gia đình là một cách tuyệt vời để bắt đầu cuộc trò chuyện về những rủi ro này và cách cư xử cũng như thiết lập ranh giới lành mạnh cho thời gian sử dụng thiết bị.
Các công cụ kiểm soát của phụ huynh giúp ngăn chặn nội dung, ứng dụng, trang web “đen” hoặc gây phiền nhiễu trên thiết bị của trẻ em. Trước khi áp dụng những điều này, điều quan trọng là phải thảo luận lý do đằng sau nó và đồng ý về các quy tắc tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em.
Một trong những phương thức phổ biến nhất được sử dụng bởi tội phạm mạng, những kẻ lừa đảo và những kẻ quấy rối trẻ em là phương thức tấn công phi kỹ thuật (social enginering). Điều này đề cập đến việc kích hoạt cảm xúc của nạn nhân để ngăn chặn tư duy phản biện của họ. Bảo vệ chống lại phương thức tấn công phi kỹ thuật yêu cầu trẻ em (và người lớn) không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân và đề cao cảnh giác khi có điều gì đó kích hoạt cảm xúc.
Social Enginering - tấn công phi kỹ thuật là cách tấn công nhằm cố gắng thao túng các cá nhân thực hiện các hành động hoặc tiết lộ thông tin bí mật. Social engineering là một kiểu tấn công dựa vào sự tương tác của con người và thường liên quan đến việc thao túng mọi việc bằng cách phá vỡ các quy trình bảo mật thông thường, truy cập vào hệ thống, mạng để đạt được lợi ích tài chính.
Ví dụ: Kẻ tấn công mạo danh là đến từ một tổ chức đáng tin cậy, hoặc giả danh là người thân của nạn nhân.
Giải thích cho trẻ hiểu rằng khi có bất kỳ tin nhắn nào khiến trẻ cảm thấy lo lắng (“đã xảy ra sự cố bảo mật”); tin nhắn vội vàng, khẩn cấp (“thông báo này sắp hết hạn”); tin nhắn tâng bốc (“Tôi yêu ảnh hồ sơ của bạn”) hoặc kích hoạt hiệu ứng sợ bị bỏ rơi FOMO(fear of missing out), tâm lý rằng chuông báo thức sẽ kêu...
Tư duy phản biện cùng với sự hoài nghi là những công cụ quan trọng để phát hiện ra các trò gian lận sử dụng phương thức tấn công phi kỹ thuật, gian lận trực tuyến, thông tin sai lệch và những dụ dỗ “ngon ngọt”.
Có nhiều tài nguyên trực tuyến tuyệt vời cho cả phụ huynh và nhà giáo dục được cung cấp như:
• Childnet là một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Vương quốc Anh nhằm trao quyền cho trẻ em và những người hỗ trợ chúng trong cuộc sống trực tuyến của chúng.
• InternetMatters giúp cha mẹ giữ con cái của họ an toàn khi trực tuyến.
• Ủy viên an toàn điện tử của Chính phủ Úc về cách giữ an toàn khi trực tuyến.
• Giữ An toàn Trực tuyến của Liên minh An ninh Mạng Quốc gia Hoa Kỳ dành cho phụ huynh.
Các nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách
Các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo rằng nhận thức về an ninh mạng và tư duy phản biện trở thành một kỹ năng sống cần thiết và được đưa vào trường công trong các chương trình giảng dạy để trang bị cho trẻ em chống lại các rủi ro trực tuyến.
Ví dụ, như ở Phần Lan, trong môn toán học, trẻ em có thể được dạy về cách không dễ dàng tin vào các số liệu thống kê, trong môn mỹ thuật các hình ảnh có thể được vận dụng như thế nào và trong môn lịch sử các chiến dịch tuyên truyền có thể được liên kết với tin tức giả mạo và thông tin sai lệch ngày nay. Mục tiêu ở đây là có thể tiếp cận thông tin một cách có phê phán - không phải một cách hoài nghi.
Điều này không có nghĩa là trách nhiệm có thể được đặt lên vai trẻ em. Các chính phủ nên nắm giữ các nhà cung cấp công nghệ và nội dung có trách nhiệm bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và thực thi theo khuôn khổ pháp lý và chính sách cần thiết. Cả khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác quốc tế với các nhóm làm việc liên quan như Liên minh toàn cầu về an toàn kỹ thuật số của Diễn đàn Kinh tế Thế giới để giải quyết nội dung có hại và thực hiện hành động phối hợp để giảm nguy cơ gây hại trực tuyến.
Jessica Lahey giải thích trong cuốn sách “Món quà của sự thất bại”, rằng cha mẹ bao bọc quá mức sẽ tạo ra những đứa trẻ lo lắng, không thích mạo hiểm và không được trang bị để tự bảo vệ mình.
Hãy coi lăng kính “nuôi dạy con cái ủng hộ quyền tự chủ” vào thế giới trực tuyến là một phương pháp tiếp cận khác để giáo dục trẻ em về những rủi ro, nhưng đồng thời cũng cho chúng không gian để khám phá và cho phép chúng thất bại hoặc thành công dựa trên tác động của các quyết định của chính chúng.
Điều này có nghĩa là thay vì cố gắng hạn chế mọi rủi ro có thể xảy ra trên Internet, cha mẹ và các nhà giáo dục cần tập trung vào việc tạo ra nhận thức và bồi dưỡng tư duy phản biện, chánh niệm và tự chủ. Đây là những điều kiện tiên quyết quan trọng để điều hướng hiệu quả không chỉ trong thế giới kỹ thuật số mà còn trong thế giới ngoại tuyến.