Hơn 20 năm qua, HoSE đã chi bao nhiêu tiền cho dự án xây dựng sở?
(DNTO) - Hơn 835 tỷ đồng là số tiền đầu tư của dự án Xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE). Tuy nhiên, hơn 20 năm qua, sở mới chỉ dùng hết một nửa, thời gian đã chạm sát nút nhưng dự án vẫn còn dang dở.
Trong báo cáo thực hiện kết quả kinh doanh vừa công bố hôm nay, 28/6, HoSE đã chính thức thông báo tình hình đầu tư dự án nhóm A "Xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM". Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 835 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn từ chủ sở hữu là 690 tỷ đồng, vốn khác là 145 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến là 22 năm, từ 1999 đến 2021.
Tuy nhiên, tính hết năm 2020, HoSE mới chỉ sử dụng hết 412 tỷ đồng, xấp xỉ 50% tổng nguồn vốn đầu tư. Dự án vẫn đang trong giai đoạn hoàn thành, có thể nói tương đối khó khăn để hoàn thành đúng tiến độ, khi thời gian còn lại theo dự kiến không còn nhiều.
Sự chậm chễ này của sở được xem là nguyên nhân gây nên tình trạng nghẽn, lag trên sàn giao dịch thời gian qua, khi thanh khoản trên thị trường tăng cao đột biến, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà đầu tư.
Theo sở này giải thích, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các chuyên gia phía Hàn Quốc không thể sang Việt Nam để thực hiện phần việc đã quy định trong hợp đồng, do đó khiến gói thầu "Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt và chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin" thuộc dự án "Xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM" bị chậm lại.
"Đến nay, gói thầu đã hoàn thành giai đoạn nghiệm thu cài đặt phần mềm KRX và đang hoàn tất các công việc chuẩn bị cho giai đoạn kiểm thử người dùng" - HoSE cho biết.
Năm vừa qua, sở ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, doanh thu đạt 1.052 tỷ đồng, tăng 36% so với kế hoạch đề ra; lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, tăng 61%. Sở cũng đã nộp 507 tỷ đồng thuế và các khoản nộp Nhà nước, tăng 64% so với dự kiến.
Nhìn nhận về chậm chễ của HoSE trong dự án xây dựng sở, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Trần Văn Dũng cho biết, việc chậm có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và bản thân sở này, trong quá trình thực hiện dự án đã không kiểm soát được tình hình và chưa thực sự quyết liệt.
"Việc để xảy ra nghẽn lệnh như vậy, chúng tôi không chỉ nợ nhà đầu tư một mà là nhiều lời xin lỗi. Chỉ mong nhà đầu tư thấu hiểu, chúng tôi đang nỗ lực để tìm ra giải pháp tốt nhất" - ông Dũng nhấn mạnh.