Hơn 100.000 cây quất Tứ Liên chờ Tết đến
(DNTO) - Còn khoảng hơn 3 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nghệ nhân Bùi Thế Mạnh, nghệ nhân làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, hơn 100.000 cây quất Tứ Liên đang rực rỡ sắc vàng, ngóng trông từng ngày được đón về nhà chưng Tết.
Chia sẻ với Doanh Nhân Trẻ, nghệ nhân Bùi Thế Mạnh cho biết, làng nghề trồng quất truyền thống Tứ Liên có tuổi đời hơn 60 năm. Hiện có khoảng hơn 400 hộ trồng quất cảnh, quất bonsai với tổng diện tích lên tới 20 ha.
Theo ông Mạnh, từ khi Tứ Liên được công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2018, danh tiếng quất Tứ Liên đã vang xa đến nhiều tỉnh thành khác. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng nổ, người dân tạm dừng trồng trọt. Khoảng 2 năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, người dân làng lại tiếp tục tiếp nối tình yêu với cây quất.
Nghệ nhân cho biết, từ khoảng đầu tháng 10 đến nay, khoảng 40% sản lượng quất đã được các tiểu thương ngoại tỉnh (Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang…) đến đặt mua, chỉ chờ đến rằm tháng Chạp để chuyển về bán.
“Năm nay thời tiết thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt nên Tứ Liên cung ứng ra thị trường khoảng hơn 100.000 cây quất cảnh, quất bonsai các loại. Theo báo cáo của các hội viên, hiện nay khoảng 40% số lượng quất đã được tiểu thương các tỉnh đặt mua. Số lượng còn lại, Tứ Liên dành để phục vụ Tết cho người dân thủ đô”, ông Mạnh chia sẻ.
Khoảng 15 năm đổ lại đây, ngoài trồng quất cảnh truyền thống (dáng thông), Tứ Liên bắt đầu chuyển sang trồng thêm quất bonsai với nhiều kiểu dáng, kích thước..., bởi trồng theo hướng này vừa tiết kiệm diện tích, dễ vận chuyển, lại thu cho nhập cao.
Theo nghệ nhân Thế Mạnh, để tạo được thế, dáng cho quất bonsai thì phải mất từ 2-3 năm. Cây càng nhiều tuổi, lượng rêu bám gốc càng thẫm, tán vươn rộng…, cây quất càng đẹp, càng có giá trị.
Những cây quất bonsai mini có giá từ 500.000 – 2.000.000 đồng. Còn những cây quất bonsai cao khoảng từ 1m trở lên, được tạo dáng (công, phượng, rồng...) có khi lên tới hàng chục triệu đồng.
Bà Linh, vườn quất Thanh Trung, Tứ Liên, chia sẻ quất Tứ Liên có thể “chơi” đến 3-4 tháng sau Tết nếu chủ nhà biết chăm sóc.
“Cây quất cũng giống như con người, phải đủ dinh dưỡng (nước, ánh sáng…) thì cây mới khoẻ mạnh và tươi lâu. Muốn cây khỏe mạnh, nên tưới thêm nước hàng ngày. Chưng quất khoảng 3 ngày trong nhà thì nên mang ra sân khoảng 2 ngày để cây quang hợp...”, bà Linh cho biết.
Theo bà Linh, thời điểm này đang là "thời gian vàng" để chọn mua quất, bởi quất Tứ Liên được người ưa chuộng chưng trước Tết cả tháng do sức bền của cây.
Chị Thuý Hậu, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình cho biết, đây là lần thứ 3 trong tháng chị tới Tứ Liên ngắm quất.
“Tết nào tôi cũng mua khoảng 6, 7 cây, vì còn chọn cho cả họ hàng, bạn bè chưng Tết. Cây quất ngoài dáng đẹp, phải có quả xanh, quả chín, có lộc, quả to, mọng, điểm thêm vài bông hoa... mới là cây đẹp. Tôi cảm thấy cây quất cũng giống như một đại gia đình vậy, phải có đầy đủ các yếu tố trên mới thấy được sự sum vầy, sung túc”, chị Hậu chia sẻ.
Theo quan niệm của người Việt ta, cây quất tượng trưng cho ước vọng những vụ mùa ‘’bội thu’’, công việc thuận lợi, kinh doanh gặp nhiều may mắn. Đó còn được coi như sự khởi đầu cho một năm mới an lành.
Lãnh đạo UBND phường Tứ Liên cho biết, năm 2023, phường sẽ tổ chức Hội chợ Quất cảnh nghệ thuật Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 trên địa bàn. Đây là hoạt động lớn để nhân dân Thủ đô và các tỉnh bạn biết đến địa danh mạnh đất Tứ Liên nhiều hơn, nơi khởi nguồn cây quất cảnh nghệ thuật và duy trì hàng năm nhằm giữ gìn nghề truyền thống.
Theo kế hoạch, hội chợ được nhiều người yêu quất Tứ Liên mong đợi sẽ được khai mạc từ 9h ngày 30/12/2022 (tức 8/12 âm lịch) tại trụ sở UBND phường Tứ Liên, kéo dài đến hết ngày 21/1/2023. Người dân có thể chiêm ngưỡng, mua sản phẩm dọc tuyến phố Tứ Liên.