‘Học ăn’ - một bài học không nên xem nhẹ

(DNTO) - Vấn đề ăn uống sao cho ra cốt cách một người lịch lãm, văn minh không hề đơn giản. Cần biến nó trở thành một thói quen. Các cụ nhà ta có dạy “Học ăn học nói học gói học mở”.
Cách đây không lâu, người dân Hà Nội ngày đầu tiên sau giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 được thưởng thức tô phở nóng “tại chỗ”, tác giả một bài báo đã dùng từ “xì xụp” để diễn tả lại sự hào hứng của thực khách. Nhiều cư dân mạng lên tiếng với nhiều ý kiến trái chiều về cách dùng từ này của tác giả.
Sự việc vừa tạm lắng xuống thì mới đây trên một diễn đàn, xuất hiện bài đăng có tiêu đề "Bê cả tô phở lên húp là phàm phu tục tử". Ý kiến này cũng lập tức tạo ra một làn sóng tranh cãi dữ dội, người đồng tình, người phản đối, khiến không gian mạng xã hội “nhộn nhịp” mấy ngày qua.

"Bê cả tô phở lên húp là phàm phu tục tử". Ý kiến này tạo ra một làn sóng tranh cãi dữ dội. Ảnh: TL
Bỏ qua các tranh cãi về nghĩa ngữ cũng như sự nhạy cảm về vùng miền, vấn đề còn lại thuộc về sự lịch sự, tế nhị, văn minh trong ăn uống.
Để răn dạy lớp “hậu sinh” về những điều căn bản cần phải biết trong cuộc sống liên quan đến cách ăn ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế, các cụ nhà ta có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Và không hề ngẫu nhiên chút nào khi “học ăn” được đưa lên vị trí số 1 trong câu tục ngữ trên.
Ngoài thực tế, từ xưa những phép lịch sự trong ăn uống là một nội dung giáo dục con cháu không thể thiếu của các bậc phụ huynh. Nó thường được dạy một cách trực quan ngay trong bữa cơm gia đình hằng ngày.
Trước hết là việc không được bỏ thừa hoặc để sót hột cơm nào trong bát khi xong bữa. Đó là bài học đầu tiên về sự quý trọng công sức lao động và lòng biết ơn đối với người nông dân quanh năm cực khổ, dãi nắng, dầm mưa, quần quật trên cánh đồng để làm ra hạt lúa.
Kế đến là những phép tắc không hề có quy định nào cụ thể, tùy theo từng vùng miền, từng gia đình mà dị bản, nhưng tựu trung tất cả đều hướng tới sự thanh lịch, văn minh trong ăn uống, góp phần tạo nên cốt cách của một con người, xa hơn là của một dân tộc. Bao gồm rất nhiều hạng mục, có thể lược trích những điểm phổ biến chung nhất như sau:
- “Ăn trông nồi ngồi trông hướng”, đặc biệt ở những gia đình nhiều thế hệ, khi vào bàn ăn, chúng ta phải quan sát mọi người để chọn cho mình một chỗ ngồi thích hợp. Xem xét thành phần và số lượng thức ăn để định lượng khẩu phần cho mình.
- Trong khi ăn, không được “bươi” đĩa thức ăn để tìm miếng ngon, miếng vừa ý. Khi chan canh phải để đũa xuống mâm, không được vừa cầm đũa vừa cầm thìa chĩa lung tung
- Không được chống tay, rung đùi. Không được mút đũa trong khi ăn. Không lùa thức ăn vào miệng một cách hối hả. Không được nói chuyện trong khi miệng ngậm đầy thức ăn.
- Điều tối kỵ là không được phát ra âm thanh khi ăn. Âm thanh đó có thể là tiếng ợ, hắt hơi, hít mũi, tiếng nhai nhóp nhép, soàm soạp, tiếng húp xì xụp…

Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Ảnh: TL
Trong khi bàn cãi, có người cho rằng ăn uống vốn là chuyện riêng tư của mỗi cá nhân, người ta có quyền ăn bằng bất cứ cách nào miễn sao thấy thoải mái và ngon miệng là được. Tuy nhiên, đó là khi việc ăn uống diễn ra ở một không gian riêng tư và chỉ có mỗi mình “ta với ta”. Còn khi nó diễn ra trên mâm cơm gia đình gồm nhiều thành viên, ở nơi công cộng như nhà hàng, quán ăn thì nó không còn riêng tư nữa. Khi đó, việc ăn uống của ta đã nâng tầm thành văn hóa và có nhiều chuyện để bàn.
“Bê cả tô phở lên húp…” vô hình trung chúng ta bỏ phí vai trò của cái thìa mà bất cứ khi nào dọn phở lên cho khách, chủ quán cũng kèm theo. Còn bê cả tô lên húp mà không được phát ra tiếng động thì thật là… khó.
Lại có một số người so sánh cách ăn uống của ta với người nước ngoài, cụ thể là cách húp mì Soba xì xụp của người Nhật. Tuy nhiên, giải thích về vấn đề tại sao người Nhật nổi tiếng hoà nhã, lịch sự lại phổ biến cách húp mì xì xụp như thế, ông Horii Yoshinori, chủ quán mì Soba Sarashina Horii có lịch sử 230 năm lừng danh tại Tokyo có chia sẻ: Trước đó, người Nhật cũng từng có những quy tắc ăn uống rất nghiêm ngặt, việc ăn uống gây ra tiếng động bị xem là cách ăn uống "thô tục". Sau này, khi món mì Soba ra đời, đó là một món ăn đường phố dành cho những người lao động bình dân, thực khách thường đứng ăn trên vỉa hè trong sự hối hả nên họ không mấy quan tâm đến việc cư xử lịch sự trên bàn ăn. Thế là dần dà việc húp mì xì xụp trở thành thói quen .
Sự so sánh nào cũng khập khiễng, huống hồ là so sánh về văn hóa ẩm thực giữa hai quốc gia. Có thể ở Hàn Quốc, Nhật Bản, “húp xì xụp” là cách thực khách gián tiếp khen ngợi món ăn ngon. Điều đó làm cho chủ quán hay người đầu bếp cảm thấy vui vẻ và khích lệ. Nhưng ở Việt Nam, ăn tạo ra tiếng động ồn ào cho đến thời điểm này vẫn chưa được số đông thực khách chấp nhận vì nó đi ngược lại nền văn hóa giáo dục ẩm thực của người Việt.

Đừng dễ dãi xem nhẹ việc “học ăn” vốn đã trở thành một truyền thống văn hóa của dân ta. Ảnh: TL
“…Ở Việt Nam, ăn mà tạo ra tiếng động ồn ào là bất lịch sự… Húp xì xụp, rột rột, tạo ra âm thanh ồn ào làm phiền người khác, trong văn hóa Việt Nam là không được. Húp xì xụp ở quán hay ở nhà, tôi cũng cho là thô tục”, siêu đầu bếp Võ Quốc nhận định.
Vấn đề ăn uống như thế nào cho ra cốt cách một người lịch lãm, văn minh, tinh tế tuy đơn giản nhưng lại rất phức tạp, thói quen này cần được hình thành từ bé. Nếu chưa trở thành thói quen thì nên rèn luyện. Đừng dễ dãi xem nhẹ việc “học ăn” vốn đã trở thành một truyền thống văn hóa của dân ta.