Làm gương cho con là cách giáo dục con cái hiệu quả nhất
(DNTO) - Trẻ em như tờ giấy trắng, như tấm gương phản chiếu những hành động của cha mẹ. Vậy nên, cha mẹ hãy luôn luôn nhớ mình có trách nhiệm làm một tấm gương tốt cho con noi theo.
Trong những ngày “nội bất xuất ngoại bất nhập” để thực hiện lệnh giãn cách xã hội tránh đại dịch Covid-19, nhiều dân cư mạng tỏ ra rất phẫn nộ khi xem một đoạn clip ghi lại cảnh một phụ nữ đang liên tục gào thét, phản ứng gay gắt và có thái độ bất hợp tác, chống đối lực lượng chức năng chỉ vì bị nhắc nhở đeo khẩu trang khi vào cửa hàng tiện lợi. Người phụ nữ sau đó bị cưỡng chế đưa về cơ quan làm việc.
Trong một diễn biến khác, chắc nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh nữ đại úy công an Lê Thị Hiền đã có lời lẽ thóa mạ nhân viên hàng không, chống người thi hành công vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người phụ nữ này lớn tiếng lăng mạ nhân viên tại quầy check-in của Vietnam Airlines, và tỏ thái độ khi bị an ninh sân bay yêu cầu giữ trật tự.
Một câu chuyện khác xuất hiện trên mạng xã hội cũng nổi đình nổi đám không kém. Đó là clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bạo hành vợ dã man ở Tây Ninh. Trong đoạn clip, người chồng liên tục dìm vợ xuống bể bơi của gia đình, người vợ cố gắng chạy trốn, bám vào thành lan can và leo lên bờ nhưng vẫn bị người chồng dùng tay lôi xuống đánh tiếp.
Ba câu chuyện trên có vẻ như không ăn nhập gì với nhau, nhưng thật ra nó có một điểm chung mà người viết muốn nêu lên đây, đó là tất cả đều diễn ra ngay trước mặt đứa con nhỏ của họ.
Một đứa trẻ ngơ ngác, sợ hãi nhìn mẹ mình trong trạng thái hung hăng, dữ tợn. Khi thấy mẹ bị người thi hành công vụ áp tải ra xe đã chạy theo khóc thét. Một đứa lại run rẩy nép mình vào một góc lấm lét nhìn mẹ đang kêu gào, vung tay múa chân. Một bé trai sợ hãi xám ngoét mặt mày nhìn bố túm tóc, bóp cằm và nhấn đầu mẹ nó xuống nước.
Chắc chắn những hình ảnh kia sẽ là một vết cắt hằn sâu vào ký ức tuổi thơ của các con không dễ gì xóa đi được. Việc chúng sẽ lớn lên, hình thành và phát triển nhân cách theo chiều hướng nào thì còn là việc của tương lai. Nhưng có một điều chắc chắn mà các nhà tâm lý giáo dục từng khẳng định: Con cái là tấm gương phản chiếu của cha mẹ.
Dân gian ta có câu “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, hay "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Còn các bậc tiền bối ưa “nói Nho” thì nhận định: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, có nghĩa là người lớn mà làm bậy thì trẻ con nhìn vào khiến chúng không thể nghiêm chỉnh. Người lớn mà phẩm chất đạo đức hư hỏng thì khó mà có được con cháu tử tế nên người.
Cũng trong phạm vi gia đình, có thể nói đến hơn 90% các ông bố bà mẹ trẻ hiện nay suốt ngày ôm khư khư cái điện thoại trong tay. Cho nên không thể nào tuyệt đối cấm con nhỏ không chơi điện thoại. Có cấm đoán hay giải thích cũng là để chống chế mà thôi.
Có lần đến chơi nhà bà bạn già, tôi tình cờ nghe anh con trai của bạn ấy rầy con bé khoảng chừng 5, 6 tuổi: “Sao ba nói gì con cũng cãi ba hết vậy?”. Con bé hồn nhiên trả lời: “Thì ba cũng hay cãi bà nội mà”. Ngồi chơi một lát tôi lại nghe cháu kêu: “Ba biết đau là gì không?”. Bạn tôi rầy cháu: “Con phải nói là ba làm con đau quá, tại sao lại nói vậy?”. Bé trả lời ngay: “Mỗi lần con làm mẹ đau, mẹ cũng nói vậy mà”.
Trở lại với các trường hợp ở trên kia, người phụ nữ không đeo khẩu trang còn la lối chống đối, ngoài trình diễn cho con mình xem thái độ cùng những lời lẽ xấu xí, khó nghe, còn thể hiện sự sai trái về trách nhiệm cộng đồng và ý thức tổ chức kỷ luật. Người đàn ông hung hăng đánh vợ chắc chắn khiến đứa trẻ sau này cũng sẽ đối xử thô bạo với mọi người xung quanh. “Đứa trẻ thường xuyên bị bạo lực hoặc chứng kiến cảnh bạo lực, lớn nên chúng sẽ dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống…”, là kết quả của nhiều công trình nghiên cứu về tâm lý giáo dục.
Trẻ con còn nhỏ, chúng chưa có khái niệm đúng sai. Trăm nghe không bằng một thấy. Những lời lẽ giáo điều đứa trẻ sẽ không nhớ được bao nhiêu, nhưng những lời nói, hành vi của cha mẹ, những người gần gũi với chúng nhất, sẽ rất dễ làm cho con ghi nhớ, bắt chước và làm theo.
Tóm lại, khi người lớn còn chưa có ý thức làm gương cho trẻ nhỏ thì đừng mong chúng ta có những thế hệ công dân tương lai tử tế và gương mẫu.