Lập di chúc là cách tốt nhất để bố mẹ tránh cho con cái cảnh ‘huynh đệ tương tàn’
(DNTO) - Ở nước ta, nhất là các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vẫn còn nhiều người chưa chú trọng đến vấn đề lập di chúc. Việc này dẫn đến tình trạng tranh chấp gay gắt tài sản thừa kế giữa những người được hưởng thụ khi người có tài sản qua đời, thậm chí gây nên cảnh huynh đệ tương tàn.
Ở các nước có nền tư pháp phát triển tốt, việc lập di chúc đã trở thành một thói quen phổ biến trong người dân. Không chỉ bao gồm nhóm người trung niên và cao tuổi mà vài chục năm trở lại đây, đối tượng lập di chúc bắt đầu có dấu hiệu trẻ hóa. Ở Mỹ, từ năm 1960 nó còn được ghi nhận như một phong trào thời thượng của giới trẻ.
Mới đây, người sáng lập Trung tâm Đăng ký Di chúc Trung Quốc, là một dự án phúc lợi cộng đồng được khởi động từ năm 2013, ông Chen Kai, đã cho biết về trường hợp khách hàng Tracy Zhou, một cô gái vừa mới bước sang tuổi 28 nhưng đã quyết định chính thức viết di chúc. “Chúng ta không bao giờ biết khi nào cái chết sẽ đến với cuộc đời mình, có thể một tai nạn bất ngờ sẽ xảy ra vào ngày mai. Tôi đã bị thúc giục bởi điều đó", Tracy Zhou nói.
Ở nước ta, tuy xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn nhưng theo văn hóa Á Đông nói chung và quan niệm đã có từ lâu đời của người Việt, vẫn còn không ít người “dị ứng” với việc lập di chúc - nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều ông bố bà mẹ Việt coi đây là điều cấm kỵ, là điềm gỡ báo hiệu sẵn sàng cho cái chết, là một sự trù ẻo như thể họ đang bị rủa chết sớm, là một lời nguyền chết chóc… Cho nên họ thường tránh né, không muốn bàn bạc, chuẩn bị trước cho cái chết của mình bằng cách lập di chúc để làm cơ sở phân chia di sản thừa kế sau này.
Có người cho rằng, sự rạch ròi về vật chất nói lên sự thất bại của họ trong việc tạo lập và giữ gìn giềng mối gia đình, điều đó làm họ cảm thấy bị tổn thương. Có người còn mang nặng lý tưởng sống theo quan điểm “tiền tài như phấn thổ nhân nghĩa tợ thiên kim” mà không chấp nhận thực tế là hiện nay với sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, đời sống con người bị đồng tiền chi phối một cách khắc nghiệt; nhà cửa, đất đai ngày càng có giá trị lớn… có khả năng đe dọa làm đảo lộn mọi trật tự của các mối quan hệ kể cả tình thâm thủ túc. Điều này đã được thực tế ghi nhận bằng nhiều vụ án tranh chấp tài sản thừa kế dẫn đến “huynh đệ tương tàn”, “nồi da xáo thịt” gây bao cảnh “vô phúc đáo tụng đình” được ghi nhận bằng các vụ án cụ thể trong thời gian qua.
TAND cấp cao tại TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm tù chung thân đối với PVN (32 tuổi, ngụ quận 11) do hành vi sát hại anh trai ruột tử vong vì tài sản thừa kế. Theo cáo trạng, bố mẹ N. qua đời để lại cho bốn anh em N. một căn nhà. Vì không biết phân chia như thế nào nên cả bốn gia đình cùng chung sống tại căn nhà ấy. Nhiều lần phát sinh mâu thuẫn, nghĩ rằng các anh trai mình đang cấu kết với nhau nhằm chiếm đoạt căn nhà trên, nên Nhơn đã dùng dao tấn công các anh của mình khiến một người bị thương tật và một người tử vong.
Đây không phải trường hợp duy nhất, do con cái không biết xử lý thế nào với khối tài sản cha mẹ mất đi để lại vì không có di chúc, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, tranh giành sát hại lẫn nhau.
Theo Luật sư Nguyễn Hữu Phước, Công ty Luật Phước & Partners: “Đa số người Việt chúng ta không có thói quen lập di chúc. Điều này trong một chừng mực nào đó là chưa đúng, vì dù chúng ta không có khối tài sản to lớn như những tỷ phú nhưng chúng ta vẫn có một gia sản chính đáng dành cho vợ, chồng, con cái và gia đình mình, và rồi phải có ai đó thực hiện các vấn đề tài chính của chúng ta sau khi chúng ta qua đời. Vì thế, việc soạn di chúc là thật sự cần thiết”.
Theo đó, lập di chúc chỉ định người thừa kế, truất quyền thừa kế, phân định di sản cho từng người thừa kế... là phương cách hiệu quả nhất để bố mẹ tránh cho con cái cảnh tranh giành dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tóm lại, việc viết di chúc hay không là sự lựa chọn và quyết định riêng của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, có lẽ bố mẹ cũng nên nghĩ đến tình cảnh khi bố mẹ mất đi, con cái sẽ lâm rắc rối do anh chị em không thống nhất được việc phân chia di sản. Khối tài sản càng lớn thì hệ lụy càng nhiều. Trong khi đó, tương lai mất còn là điều không ai đoán định được.