Bố mẹ làm gì khi con trai làm bạn gái có bầu
(DNTO) - Trước thực trạng xã hội: Trẻ vị thành niên yêu và quan hệ tình dục sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn, không chỉ bố mẹ của bạn gái mà bố mẹ của bạn trai cũng rất lo lắng và bối rối trong cách xử lý hậu quả.
Con cái là những người bạn đồng hành trong cuộc hành trình của đời người mà tạo hóa ban tặng chúng ta. Bên cạnh niềm vui và hạnh phúc là những nỗi vất vả, lo toan không tránh khỏi. Nhất là khi các con bước vào tuổi dậy thì. Đặc biệt là trước thực trạng xã hội: Trẻ vị thành niên yêu và quan hệ tình dục sớm.
Thông thường bố mẹ có con gái thường lo lắng và cảm thấy bất an gấp nhiều lần hơn bố mẹ có con trai. Trước hết là do bạn gái là người trực tiếp gánh chịu mọi hậu quả như: “mất trinh tiết”; bị gia đình, họ hàng, xã hội, chê trách, đánh giá nhân cách (theo quan niệm Á đông); mang thai ngoài ý muốn; sinh nở, nuôi con; gián đoạn chuyện học hành; ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai sự nghiệp...
Trong khi đó, việc quan hệ tình dục sớm, hậu quả không may nếu có cũng không xảy ra trực tiếp lên bạn trai. Đồng thời sự nhìn nhận và đánh giá của dư luận dành cho các bạn trai cũng có phần nhẹ nhàng hơn. Mặt khác, thông thường khi có “sự cố” xảy ra, để hạn chế tổn thương cho con mình, và cũng để giữ “sĩ diện”, phía “đàng gái” thường “xuống nước” kêu gọi “sự hợp tác” và “tinh thần trách nhiệm tự giác” của “đàng trai”.
Các điều này, làm cho “đàng trai” càng không nhận thấy phần lỗi của mình. Đây thật sự là một bất công.
Đã đến lúc xã hội cần có cái nhìn công tâm hơn. Đã đến lúc bố mẹ có con trai là “đương sự” trong các vụ việc có thai ngoài ý muốn của các con, phải nghiêm khắc nhận ra trách nhiệm của mình trong việc giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho con trai, càng nghiêm khắc nhận lấy trách nhiệm và giải quyết vấn đề một cách tử tế, có lý có tình.
Cháu gái H.T mới 16 tuổi thú nhận: “Cháu và bạn ấy cùng học một lớp, chơi thân với nhau. Ba mẹ bạn ấy là doanh nhân có hai công ty riêng, công việc bận bịu suốt ngày, ít khi có ở nhà. Nhà chỉ có mỗi chú tài xế và cô giúp việc. Cháu hay đến nhà bạn ấy cùng học bài. Có lần chúng cháu đã trót “chơi trò vợ chồng” và cháu có thai. Cháu nghe lời “tư vấn” của bố mẹ bạn ấy, giấu mọi người. Rồi mẹ bạn ấy dắt cháu đi bệnh viện phá thai, không cho bạn trai cháu đi cùng”. Cháu vừa đau vừa sợ vừa cảm thấy bạn trai cháu rất vô tình. Sau lần đó, cháu nghỉ chơi với bạn ấy luôn nhưng cứ bị ám ảnh cho tới bây giờ.
Còn cháu L.T đang học lớp 11 bẽn lẽn dắt bạn gái cùng lớp đi phá thai, khi được hỏi về biện pháp phòng tránh thai thì lắp ba lắp bắp không đâu vào đâu, rồi chốt: “Tưởng một lần thì không thể có thai được”.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ thanh thiếu niên ở nước ta có quan hệ tình dục không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào cao hơn nhiều so với các nước.
Một khảo sát ở phòng khám phụ khoa của một bệnh viện ở Hà Nội còn cho thấy, có đến 9/15 trường hợp chờ nạo phá thai là sinh viên, các em trai không hề nói nổi tên một loại thuốc tránh thai nào có bán trên thị trường.
Điều này cho thấy, hầu hết các chàng trai mới lớn xem việc quan hệ tình dục là của mình còn việc phòng tránh thai là việc của bạn gái. Khi nghe bạn gái báo tin có thai, nhiều em ngớ người ra, giật mình hoảng vía vì không thể làm bố trong lúc này. Nhiều bà mẹ có con trai cũng “hồn nhiên” không kém: “Cháu nó dại lắm, ở nhà cháu như “thằng ngố” làm gì đã biết những chuyện ấy”.
Vì vậy, các chuyên gia tâm lý và sức khỏe khuyên các bố mẹ có con bước vào độ tuổi vị thành niên nên sớm giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản, cả kiến thức về phòng tránh thai cho trẻ. Bố mẹ có con trai càng phải quan tâm hơn vì phần lớn trường hợp quan hệ tình dục xảy ra sự cố là do con trai chủ động.
Khi lỡ xảy ra sự việc, bố mẹ bạn trai cần bình tĩnh và xử lý một cách thận trọng, có trách nhiệm, sao cho giảm đến mức thấp nhất những chấn thương về tâm lý cũng như sinh lý cho các con. Sự chia sẻ trách nhiệm này có tác dụng rất lớn làm giảm phần nào nỗi đau do con mình gây ra cho bạn gái.
Tuyệt đối tránh luận điệu: “Con gái có thân không biết giữ thì ráng chịu”. Không nên thoái thác trách nhiệm, “bỏ của chạy lấy người”. Đừng biến con mình trở thành người đàn ông vô trách nhiệm, phản bội và đớn hèn. Trong khi ai có con trai cũng luôn mong con mình trở thành người đàn ông dũng cảm, trung thực, ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, sống có nhân, có đức.